[Kỹ năng sống] Làm quen với cách tiêu tiền

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Mẹ ơi cho con tiền mua đồ mới đi”, nghe con gọi, chị bảo: “Vào túi mẹ mà lấy. Mà con làm gì mà lấy tiền liên tục thế, chẳng biết tiếc tiền gì cả”.

Cậu bé không nói gì, đi vào túi mẹ lấy tiền như một thói quen. Câu chuyện ấy khiến người bạn đang đến chơi nhà chị ngạc nhiên quá bảo: “Sao nó còn bé mà chị cho tiêu tiền thoải mái thế, không sợ cháu tiêu linh tinh sao?”. Chị cười: Ngày xưa mình đã chịu nhiều vất vả, cực khổ rồi, nay có điều kiện không muốn con như mình ngày xưa, nên có bao nhiêu, mình đều dồn tất cả vào cho bé. Từ bé, con đòi gì, chị đều mua ngay. Chuyện bình thường thôi mà”.
Người bạn bảo: “Em nghĩ chị đừng coi thường như thế, đó cũng là một trong những bài học đầu tiên dạy con làm người và đối mặt với cuộc sống, làm chủ trước sức hút của đồng tiền. Từ bé muốn gì được nấy, rất dễ dẫn đến lạm dụng đồng tiền và coi tiền là tất cả”. Chị ngồi ngẩn ra một chút, rồi thở dài: “Thực ra chính chị nhiều lúc cũng cảm thấy khó kiểm soát cách tiêu tiền của chúng, nhưng muốn chấn chỉnh cho con, nhưng cũng không biết bắt đầu thế nào cho phải”.
Câu chuyện ấy cũng là băn khoăn của không ít người. Nên cho con tiếp cận với tiền sớm hay muộn vẫn là một vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia khuyên, việc cho con làm quen với tiền đúng cách không bao giờ là quá sớm và có nhiều cách để giúp trẻ. Có người cho con một quyển sổ mà hàng ngày đều phải ghi đầy đủ các khoản chi tiêu mua gì, hết bao nhiêu, ở đâu. Với những khoản lớn bố mẹ sẽ tự dẫn đi mua chứ không giao tiền cho con cái. Từ thói quen ấy, trẻ sẽ nhìn lại và nhận ra rằng có những khoản không đáng phải chi ra. Dần dần, trẻ cũng tự kiềm chế được những khoản tiêu vặt trong ngày. Có người thị lại cho con nuôi một con lợn đất, nên thỉnh thoảng phải cho nó “ăn” và không còn cách nào khác trẻ phải tiết kiệm từ những khoản tiền bố mẹ cho để nuôi nó lớn. Không ít người cũng dùng tiền để khuyến khích con những việc làm tốt, nhưng điều ấy chỉ để dạy trẻ tận hưởng niềm vui trong công việc chứ không phải lấy tiền làm thước đo khả năng của trẻ.
Hơn nữa, trong những cuộc trò chuyện hàng ngày, vẫn nên nói cho con hiểu tiền do đâu mà có, tiêu thế nào cho đúng. Nói cho con hiểu những gì sai, xấu, vi phạm pháp luật con không được phép làm để kiếm tiền. Nhằm để con trải nghiệm thực sự về giá trị của lao động và giá trị đồng tiền, nên cho trẻ đi làm thêm những việc đơn giản, trong khả năng. Qua những việc này trẻ sẽ tự rút ra kết luận kiếm được đồng tiền thực sự rất vất vả.
Bên cạnh việc để trẻ nhận thức được giá trị của đồng tiền, cũng nên dạy trẻ có những giá trị cao quý hơn tiền, không thể dùng tiền để so sánh hay đem ra đánh đổi như tình cảm gia đình, tình thân họ hàng và tình cảm bạn bè. Đồng thời, dạy trẻ phải biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ qua việc đưa trẻ đến một số địa chỉ từ thiện, tận mắt thấy muôn mặt cuộc sống và tự rút ra những bài học cho riêng mình. Chính việc tạo cho trẻ thái độ quý trọng những đồng tiền mình có, từ đó tránh làm những việc vô ích và hiểu đúng giá trị đồng tiền từ bé sẽ tránh được cho trẻ những vấp váp về sau.