[Kỹ năng sống] Mỗi đứa trẻ đều là duy nhất và có khả năng tiềm ẩn vô hạn

An Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày đấy mẹ còn quá trẻ, chưa nghiên cứu sâu về giáo dục sớm, nguồn tài liệu cũng hạn chế nên phương pháp dạy con chưa khoa học.

 Mẹ sai khi kỳ vọng về đứa con đầu lòng quá cao. Mẹ tự áp lực với kỳ vọng bản thân, mẹ thèm nói những lời hay ý đẹp các bà mẹ hay dùng để khoe con. Cái sai từ suy nghĩ so sánh với con nhà người ta làm ảnh hưởng đến quá trình nuôi dạy con giai đoạn này. Mẹ dán nhãn và quy chụp con yếu kém. Mẹ thất vọng và cáu gắt khi con phạm lỗi nhỏ. Thực tế là những cơn giận cũng không làm con khá hơn, thậm chí càng ngày càng tệ.
Nếu không có một bước ngoặt quan trọng vào năm con 7 tuổi thì có lẽ mẹ đã tước mất cơ hội trưởng thành của con hôm nay. Đó là ba mẹ đã giải thoát được tâm lý tiêu cực khi cho con làm một thử nghiệm để thấy được những ưu điểm của con, những thứ mà mẹ chưa từng nhận ra trước đó bởi sự quy chụp tiêu cực.
 Ảnh minh họa.
Điều kỳ diệu là khi ba mẹ thay đổi thái độ và bớt kỳ vọng thì kết quả học tập của con tự khắc thay đổi.
Những năm tiểu học là cả chặng đường gian nan hai mẹ con vật lộn với chữ nghĩa. Lớp 1: Con không thể ngồi yên học bài quá 5 phút. Con khóc vì phải luyện chữ đẹp, khóc vì phải học Toán. Lớp 2: Con không hiểu những bài toán có 2 lời giải; và con chỉ học được thông qua vận động, chạy nhảy hoặc bằng tai.
Ba mẹ đơn giản hóa lịch trình, kiên trì thay phiên nhau tạo thói quen nề nếp cho con. Mẹ giúp con “dịch” đề Toán thành hình vẽ để dễ hình dung; dạy cách học thuộc bài bằng mindmap; thay thế đọc truyện bằng nghe truyện mỗi tối; con thẩm âm tốt thì cho học đàn; vận động tốt thì cho học võ để tiêu hao bớt năng lượng.
Các bé hiếu động thường sẽ học ổn khi qua giai đoạn này nhưng nếu để bị hổng kiến thức thì khi lớn khó bắt kịp các bạn. Dẫu cố gắng nhưng từ lớp 1 đến lớp 4, năm nào con cũng vô nhóm chót lớp. Một phần do cách giải bài tập của mẹ không giống trên trường, không bám sát đề kiểm tra nên khó đạt điểm tuyệt đối. Có năm duy nhất trong lớp có mỗi con thi được 8 điểm môn Toán và là thành viên duy nhất không đạt học sinh giỏi của lớp.
Lên lớp 5 con đã tập trung hơn, đọc tốt hơn, và quen với nề nếp nên ba mẹ buông dần ra cho tự học. Năm ấy con đạt học sinh giỏi mà lòng mẹ đầy tự hào. Và cũng từ năm ấy con đã trưởng thành, điềm đạm hơn, tư duy tốt hơn. Lên lớp 6, con tự chủ động việc học.
Theo thói quen được rèn nhiều năm qua, đến đúng giờ là con ngồi vào bàn hoàn thành bài vở không cần ai nhắc nhở. Cách học cũng đi từ bản chất vấn đề chứ không học vẹt. Con thi học kỳ ba mẹ cũng không cần nắm lịch thi. Thành quả là con đã giành được học bổng toàn phần của một trường trung học tại Mỹ khi đang học lớp 7. Mẹ tin con trai đã đủ nội lực, đã thông minh hơn và có trách nhiệm với bản thân và gia đình.