[Kỹ năng sống] Những đứa con trong gia đình bạo lực

An Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bạo lực gia đình thời nào cũng có, trước kia người ta ít biết thì giờ nhờ sự phát triển của mạng xã hội, những vụ bạo lực gia đình bị lên án, được đưa thông tin rầm rộ. Người người lên án bậc làm cha mẹ ngược đãi con cái, nhưng đã có ai từng nghĩ: Rồi đứa trẻ ấy sẽ lớn lên như thế nào?

Theo thống kê của Vụ gia đình - Bộ Văn Hóa, thể thao, du lịch bình quân mỗi năm xảy ra khoảng hơn 31.500 vụ bạo lực gia đình (bao gồm tinh thần, thể xác, tình dục) với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Gia đình hàng xóm nhà tôi nổi tiếng trong làng vì những vụ bạo lực gia đình. Người vợ có lần bị ông chồng ôm quẳng vèo cái ra giữa hồ nước gần nhà, tiện tay ông cầm luôn chân thằng con trai mới 2 tuổi ném theo mẹ. Cũng may người dân đi qua thấy nên bơi ra cứu được cả hai mẹ con. Sau này người vợ mất vì bệnh, người dân trong làng vẫn nói với nhau, bà ấy bị bệnh thế là do bị đánh nhiều quá.
Chuyện đó tôi chỉ nghe bố mẹ kể lại. Nhưng sau này tôi được chứng kiến nhiều trận đòn mà những đứa con trong gia đình ấy phải chịu. Có trưa cả nhà tôi đang ăn cơm, bỗng thấy thằng con thứ 2 nhà ấy chạy vèo vào nhà rồi chui tọt ngay xuống gầm giường, nằm im không dám thở. Một lát sau thấy ông bố xồng xộc xông vào cầm theo con dao kèm tiếng hét “mày trốn ở đâu, mày có ra đây không thì bảo, không ra ông chém chết mày”
. Trời ạ, tôi nghe thôi còn thấy sợ thì tự hỏi, mấy đứa con nhà đó bị bố đuổi đánh mỗi ngày sao chúng sống được. Bố mẹ tôi quen bài quá rồi, nên bảo “nó nhảy tường sang xóm bên kia rồi” thế là ông ấy rầm rầm leo tường sang xóm bên.
Một lúc sau ông con mới chui từ gầm giường ra, chân tay đầy vết lằn bầm to tướng nhưng tuyệt nhiên không có một giọt nước mắt nào. Bố mẹ tôi xới cơm cho ăn, rồi bảo cứ ở đây đến chiều bố mày hết cơn giận rồi về, chứ giờ mà về là no đòn nữa.
Có những hôm lũ trẻ trong xóm bọn tôi đứng xem, đó là khi ông vớ được cái gì là ông phang thẳng vào người những đứa con, khi là cái đòn gánh, khi là cái cán cuốc, khi là cái điếu cày… những đứa trẻ cứ cúi mặt chịu đòn. Sau mỗi trận, chúng không dám ra đường, ngại gặp bạn bè nên chúng bỏ học.
Bản thân tôi từng có lần bị bố đánh một roi vào chân, vừa lúc có bạn cùng lớp đi ngang nhìn thấy, ngày hôm đó tôi nghỉ học. Tôi cảm thấy rất ngại nếu đến lớp, tôi sợ bạn kia sẽ kể cho cả lớp, cả trường biết là tôi vừa bị bố đánh. Thế nên tôi rất hiểu lý do vì sao cả 3 đứa trẻ nhà hàng xóm đều bỏ học từ rất sớm. Hai cậu con trai bỏ ra Hà Nội làm thuê cho người ta, thi thoảng mới về nhà. Đi làm thuê dù cực khổ nhưng ít nhất chúng không phải nơm nớp lo sợ những trận đòn sẽ ráng xuống người bất cứ lúc nào.
Có lẽ vì tinh thần tốt nên nhìn cả 2 thằng đều lột xác, tươi và phổng phao hơn khi ở nhà rất nhiều. Cô con gái ở nhà cũng lấy chồng sớm, dù chị ấy khá xinh nhưng vẫn chấp nhận lấy một anh nhà nghèo lại còn xấu trai. Có lẽ chị chỉ muốn đi khỏi căn nhà ấy càng sớm càng tốt.
Mấy đứa trẻ xóm tôi chỉ xấu hổ với bạn cùng lớp, bạn xóm mà đã bỏ học đi xa kiếm sống. Vậy những đứa trẻ ngày nay, sau mỗi vụ bạo lực hình ảnh chúng và bố mẹ lan tràn đầy trên các tờ báo, các mạng xã hội, chúng sẽ trưởng thành như thế nào khi đi đến đâu cũng nghe người ta nhắc mãi về nỗi đau của mình?