[Kỹ năng sống] Nuôi dạy con tích cực

Khánh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ em khi được sinh ra đã có khoảng 100 tỷ tế bào não (tế bào thần kinh), tuy nhiên chúng vẫn chỉ như một cuốn phim trắng.

Theo thời gian, những thứ đứa trẻ được tiếp xúc mỗi ngày sẽ được bộ não tiếp thu, từ đó dần hình thành nên tính cách của trẻ thông qua môi trường tiếp xúc và những trải nghiệm cá nhân. Vì thế ở giai đoạn còn nhỏ, việc cho trẻ tiếp xúc với loại hình ảnh thông tin nào rất quan trọng.
Rất nhiều bậc phụ huynh luôn nghĩ rằng “trẻ con không biết gì”, vì thế họ thoải mái cãi nhau trước mặt con, chửi hàng xóm trước mặt con, phàn nàn về sếp, về công việc với thái độ tiêu cực… chính những điều này sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của trẻ, và chúng có xu hướng bắt chước những gì nghe, nhìn thấy từ người lớn.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Một đứa trẻ được lớn lên trong gia đình bố mẹ yêu thương hòa thuận vui vẻ sẽ có tư duy và tính cách khác hoàn toàn so với một đứa trẻ sống trong gia đình cha mẹ chửi nhau như cơm bữa.
Nhiều người quan điểm rằng, phải cho con vấp ngã thì chúng mới trưởng thành. Tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng sau này ra đời cuộc sống của chúng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, và rồi chúng sẽ phải vấp ngã rất nhiều lần để trưởng thành. Nhưng khi chúng còn nhỏ, hãy để chúng có được những trải nghiệm yêu thương, cảm thấy luôn được cha mẹ bảo vệ, hãy để chúng được sống vui vẻ với những trải nghiệm tuổi thơ mà chúng được hưởng thụ.
Đừng bắt chúng phải đối mặt với cuộc đời quá sớm bằng những hình phạt, bằng những đòi hỏi khắt khe của cha mẹ. Bởi khi rời xa vòng tay cha mẹ, chúng còn cả cuộc đời phía trước phải đối mặt, như vậy cũng đủ để chúng trải nghiệm.
Như câu chuyện một ông bố dẫn 3 cậu con trai vào quán kem sau buổi thi chạy bộ tại trường, nhưng có một cậu con trai không được mua kem mà phải ngồi nhìn 2 đứa con lại ăn, mặc cho đứa trẻ vừa khóc năn nỉ người bố hãy mua kem cho mình, ông bố liên tục từ chối với lý do “Con đã về cuối nên con bị phạt không được ăn kem”, dù đứa trẻ đã giải thích rằng “con đã cố gắng hết sức”. Phụ huynh nào cũng muốn con mình phải đạt thành tích cao nhưng họ chưa bao giờ chịu nhìn lại xem con họ đã nỗ lực như thế nào?
Nếu bạn mang lại cho con những trải nghiệm cuộc sống vui vẻ tích cực, chúng sẽ có khả năng tự tạo ra những trải nghiệm tích cực và mang lại sự tích cực cho người khác.
Nếu trẻ trải qua những trải nghiệm tiêu cực từ người lớn, chúng sẽ luôn có những suy nghĩ tiêu cực về người khác, và tạo ra sự tiêu cực cho người khác.
Bạn muốn có một đứa con luôn vui vẻ lạc quan hay một đứa con luôn cau mày ủ rũ?