[Kỹ năng sống] Nuôi thú cưng trong nhà nên biết

An Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày nay việc nuôi thú cưng cơ bản như chó mèo rất phổ biến, nhất là các gia đình ở thành thị, thú cưng thậm chí còn được ăn ngủ cùng chủ.

Trong thực tế, nhiều gia đình yêu quý và cưng chiều thú cưng của mình nên có chế độ chăm sóc đặc biệt, thi thoảng người ta hay nói vui “sướng như chó" là có thật. Nhà chị gái tôi có nuôi 2 con chó ta, hàng ngày việc đầu tiên khi thức dậy là lo nấu đồ ăn cho chúng, cho chúng ăn, dọn vệ sinh.
 Ảnh minh họa.
Đêm chị cho chúng vào phòng ngủ chung bật máy lạnh phà phà, mỗi tuần chúng sẽ được đi spa cắt móng tỉa lông 1 lần, đi công viên chơi hẹn hò với những chú chó khác vào cuối tuần. Chế độ ăn hàng ngày của chúng có khi còn tốn hơn tiền cơm hàng cháo chợ của tôi, đến mức nhìn thấy thịt chúng không còn tha thiết hay háo hức ăn như mấy con chó ở quê.
Tuy nhiên, việc chúng ta thân thiết gần gũi thường xuyên với vật nuôi trong nhà dễ bị lây một số bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, các loại giun sán ký sinh trùng,... những căn bệnh này thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Vì thế để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người thân trong gia đình, khi quyết định nuôi thú cưng như chó mèo trong nhà, cần thực hiện đúng và đủ các quy trình trích ngừa cũng như vệ sinh để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm qua thú cưng:
Tiêm ngừa vaccine dại cho tất cả thú nuôi trong nhà theo lịch định kỳ.
Luôn luôn vệ sinh sạch sẽ môi trường nuôi chó mèo.
Tập cho chó mèo đại tiện đúng nơi và phân phải được chôn lấp kỹ hoặc cho vào túi nylon bỏ vào thùng rác.
Không cho trẻ chơi nghịch với đất cát nơi có chó mèo phóng uế.
Vệ sinh tay chân sạch sẽ bằng xà phòng, đặc biệt ngay sau khi chơi đùa với chó mèo và trước khi ăn uống.
Tẩy giun định kỳ cho chó mèo nuôi trong nhà, thường là 2 lần/ năm.
Trên đây chỉ là những nguyên tắc cơ bản khi nuôi thú cưng trong nhà, điều quan trọng nhất là chúng ta phải tuân thủ thực hiện. Đặc biệt đối với những bệnh về giun sán ký sinh trùng rất dễ lây nhiễm, và nếu bạn có một số biểu hiện như: Ngứa ngoài da dữ dội, bị nổi mẩn đỏ, thậm chí là sốt, mệt mỏi; Đau vùng bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy; Ho và thở như người bị hen suyễn; Đột nhiên giảm thị lực, thường là một bên và có thể dẫn đến mù lòa… thì hãy đến ngay bệnh viện thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết và điều trị sớm nhất.
Chúng ta hoàn toàn có thể sống chung với thú cưng, miễn sao tuân thủ đúng nguyên tắc để phòng tránh các bệnh lây nhiễm. Thậm chí ngay cả khi không có biểu hiện rõ ràng của việc nhiễm ký sinh trùng từ vật nuôi, chúng ta vẫn nên đi kiểm tra định kỳ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần