[Kỹ năng sống] Quan niệm mới về “sống chung”

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nói đến khái niệm “sống chung”, hiện nay không chỉ còn bó hẹp trong việc làm dâu hay gia đình nhiều thế hệ, mà còn bao gồm cả việc “ở rể”.

Bởi thực tế, những người đàn ông sau khi kết hôn tới sống cùng gia đình vợ đang ngày càng tăng và có rất nhiều nguyên nhân không liên quan gì đến vấn đề kinh tế hay địa vị xã hội. Họ đang tạo ra nhiều quan điểm mới về mô hình gia đình hiện đại.
 Ảnh minh họa.
Trước đây, nhiều người đàn ông vẫn quan niệm, “ở rể” làm họ mất đi “bản lĩnh đàn ông”, không thể hiện được tính quyết đoán, tự lập… Tuy nhiên, hiện nay những lý do để chọn cách sống cùng gia đình vợ rất nhiều. Có thể vợ là con một, nhà vợ đơn chiếc, có thể do điều kiện cần tiết kiệm chi phí, thuận tiện đi làm… Đặc biệt, rất nhiều người có hoàn cảnh gia đình khá giả nhưng vẫn tình nguyện "ở rể". Họ không ngại mang tiếng như những người đàn ông thời trước vì bản thân họ tự nguyện và độc lập về kinh tế, có vị thế trong xã hội và gia đình.

Một người đàn ông kể, sau đám cưới, anh dọn hòm xiểng sang nhà bố mẹ vợ ở. Đến nay đã gần bốn năm, hầu như không còn ai trêu chọc hay hỏi han anh về chuyện này nữa, vì lúc nào thấy anh cũng sung sướng ra mặt. Vợ anh chỉ có một em gái đã lấy chồng xa, nếu cô cũng đi theo chồng nốt thì bố mẹ sẽ rất buồn. Sau những năm chung sống, anh thấy cuộc sống với gia đình vợ thật dễ chịu, bản thân bố mẹ anh cũng lấy đó làm mừng, còn bố mẹ vợ không có con trai nên anh được đối xử như con cưng. Chuyện ra ở riêng hay quay về nhà với bố mẹ mình tự nhiên không còn cần thiết.

Nhưng thực tế, dù tự nguyện, không phải ai cũng thoải mái trong việc “ở rể” như người đàn ông trong câu chuyện này. Mặc dù các quan niệm mới đã hình thành, nhưng ở rể hay làm dâu cũng đều giống nhau ở việc phải học cách sống chung. Việc hạnh phúc hay khổ sở phụ thuộc nhiều vào việc người trong cuộc ứng xử thế nào, có làm chủ được bản thân hay không. Một số người thường thấy không thoải mái trong buổi đầu sống cùng gia đình vợ. Họ cũng lúng túng, lo lắng và cảm thấy áp lực như cô dâu mới cưới về nhà chồng. Nhiều người thường nói: Dù rất hợp gu với bố vợ và ông bà khá tâm lý, họ vẫn chưa thể xem bố mẹ vợ như bố mẹ mình được. Trong cách cư xử thường ngày, họ khá giữ kẽ và cảm giác bố mẹ vợ cũng như thế, tuy nhiên xung đột là không xảy ra.

Một số khảo sát đã chỉ ra, phần lớn các trường hợp “ở rể” không được cơm lành canh ngọt đều không phải vì tính nết không hợp, mà do tư tưởng kỳ thị đối với việc này. Nhiều khi lại xuất phát từ chính con rể, anh ta nghĩ hơi nhiều đến sĩ diện của mình mà ít quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh. Do đó, để giúp chồng hòa nhập với cuộc sống “ở rể”, vai trò của người vợ rất quan trọng. Sự cảm kích vì chồng đã “hy sinh” nên được duy trì suốt những năm chung sống để tăng sự tôn trọng lẫn nhau. Và nếu người con rể hiếu nghĩa với bố mẹ vợ, sống có trách nhiệm với gia đình, người vợ khéo léo, không "ỷ thế" nhà mình khiến chồng chạm tự ái... thì việc “ở rể” sẽ rất thuận lợi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần