Kỹ năng sống: Sự thấu hiểu

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện ngày càng có nhiều trẻ bước vào tuổi vị thành niên “phàn nàn” về việc bố mẹ mình quá mải mê công việc và kiếm tiền, bỏ mặc con muốn làm gì thì làm.

Một người đàn ông đã tỏ ra rất đau khổ khi cậu quý tử chưa đầy 15 tuổi của mình bị bắt vì tội cướp giật. Ông đã không thể lý giải nổi bởi con ông không thiếu một thứ gì. Cậu vốn khỏe mạnh và hết sức ngoan ngoãn, hiền lành. Chính vì vậy mà vợ chồng ông rất yên tâm về con, bỏ mặc cậu ở nhà với người giúp việc để bôn ba theo những cuộc làm ăn. Tưởng thế là ổn, nhưng cho đến một ngày... ông bà mới vỡ lẽ, đã từ lâu cậu theo đám bạn đi đua xe. Rồi từ đua xe, cậu tham gia cướp cho vui chứ không phải vì cần tiền bởi cậu không thiếu tiền.
 Ảnh minh họa.
Một cô bé khác thốt lên, em lúc nào cũng cảm thấy buồn tủi vì em có tiền mà luôn thui thủi một mình ở nhà với người giúp việc xa lạ cả trong cung cách nói năng và sở thích... Em không thích giàu có mà chỉ muốn có một gia đình ấm áp tiếng cười nói của bố mẹ sau mỗi buổi đi học về.

Việc ngày càng có nhiều trẻ lo lắng, bi quan trước cuộc sống chính là một cảnh báo, bởi sống với tâm trạng buồn chán kéo dài sẽ làm méo mó nhân cách hình thành sau này. Theo các chuyên gia tâm lý, sự hình thành và phát triển tâm lý của trẻ diễn ra rất phức tạp. Hằng ngày trẻ tiếp nhận rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhưng lại thiếu hiểu biết và kinh nghiệm để giải quyết. Vì thế, rất băn khoăn, lo lắng nếu không được định hướng ngay. Nhiều trẻ chia sẻ, khi chứng kiến những tiêu cực trong xã hội như hiện tượng bất công, bạn bè đánh nhau, cô giáo thiên vị…, trẻ cảm thấy không tin tưởng vào bản thân, vào tương lai, nên nảy sinh tâm lý bi quan. Trong khi đó, trẻ lại không tìm được sự thấu hiểu ở bố mẹ. Một em tâm sự: Khi em đem chuyện cô giáo chỉ ưu ái một số bạn vì nhà bạn giàu, vì bố mẹ bạn ấy quen biết cô…, mẹ em lại quát. Rồi mẹ cho rằng, tại em học chưa tốt nên nảy sinh tâm lý ghen tỵ, làm em cảm thấy buồn.

Người lớn thường an ủi nhau rằng: “Phải đối mặt với thực tế và vượt qua khó khăn bằng khả năng của chính mình”, điều đó cũng là việc cần thiết trong hành trình lớn lên của trẻ. Bởi thế bố mẹ đừng bỏ lửng mà hãy luôn bên con, cùng con giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Bố mẹ cũng nên giúp con không suy nghĩ quá lâu về những điều không vui và biết cách nhìn vào mặt tốt của vấn đề. Khi nào trẻ quá bi quan, hãy kể lại cho trẻ những thành tích mà chúng đã đạt được trước đây, gợi lại những kỷ niệm đẹp giúp trẻ lấy lại tinh thần. Chỉ có sự thấu hiểu từ bố mẹ mới giúp trẻ đi đúng được và có được kỹ năng sống tốt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần