“Kỹ năng sống” trên không gian mạng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin xấu, độc và vi phạm pháp luật trên không gian mạng là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến trên nghị trường Quốc hội khi chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cuối tuần qua. Đây có thể nói là một trong những vấn đề nhức nhối nhất thuộc quản lý của ngành thông tin và truyền thông hiện nay rất cần những giải pháp ngắn hạn và cả dài hạn để xử lý.

 Ảnh minh họa
Một thực tế đã được các đại biểu chỉ rõ khi đề cập đến vấn đề này là người dùng mạng xã hội Việt Nam hiện có thể tạo ra một cơ quan truyền thông, trong đó, có nhiều trang mạng xấu, độc nhưng có một lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội. Rồi tình trạng khai thác quá mức cần thiết các thông tin về đời sống riêng tư, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng các cá nhân. Cùng với đó, các thông tin về các vụ án, đánh đập, trộm cướp, giết người dã man, các scandal. Thâm chí, một số đối tượng có tiền án, tiền sự đã sử dụng mạng xã hội đăng tải nhiều video clip cổ xúy cho lối sống lệch chuẩn, bạo lực, tác động xấu đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ,...
Đúng như Bộ trưởng Bộ TT&TT đã thẳng thắn nhận định, câu chuyện về giải pháp đối với tin xấu, độc trên mạng xã hội là câu chuyện mang tính toàn cầu. Để trả lời câu hỏi chúng ta có “bộ lọc” để lọc thông tin xấu, độc hay không, như chính Bộ trưởng khẳng định, hiện nay, có hai “bộ lọc”. “Bộ lọc” đầu tiên là “bộ lọc” của công ty cung cấp nền tảng và “bộ lọc” thứ hai là chính quyền, công cụ đo lường hiện nay là Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Dù không dễ dàng gì nhưng chúng ta đang cương quyết làm, để gỡ bỏ các thông tin “rác”, xử lý vấn đề tin giả...
Tuy nhiên, đi cùng với những giải pháp mang tính “pháp lý” ấy, vấn đề giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trên không gian mạng là rất quan trọng. Bởi thực tiễn, không gian mạng là một không gian mới, nhiều người chưa quen và thiếu những kỹ năng phải có để ứng xử, để phân biệt được cái đúng, cái sai. Chưa kể tâm lý tò mò, a dua cũng dẫn đến việc những thông tin xấu, độc lan rất nhanh. Vì thế, như Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ phối hơp với Bộ GD&ĐT, phải đưa giáo dục kỹ năng sống trên môi trường số, không gian mạng vào giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, điều cần thiết hiện này là giáo dục kỹ năng sống trên không gian mạng trong toàn xã hội, vì đây là một logic mới, cách hành xử mới mà chúng ta phải quen và phải học dần. Khi người dân có kỹ năng phân biệt cái tốt, cái xấu thì tự nhiên cái xấu không tồn tại được. Trên không gian mạng có một logic là nếu như bây giờ chúng ta đọc một tin xấu, tin độc là vô hình trung chúng ta đã trả tiền cho các thông tin xấu độc đó, tức là đã nuôi thông tin xấu độc đó. Nếu chúng ta nhận dạng được nhưng không xem, đồng nghĩa với việc những nguồn tin đó không được tài trợ vì thế sẽ suy giảm đi. Bởi thế, việc khẩn trương ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; đồng thời trang bị kỹ năng khi sử dụng thông tin trên mạng... chắc chắn đó là những giải pháp cần triển khai sớm cùng với các quy định về pháp luật khác.