Kỹ năng sống: Vượt qua chính mình

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Không biết sau này lớn lên, ra đời con bé có “sống” nổi không nữa” - chị than thở.

Nguyên do bởi con gái chị quá nhút nhát, cứ đến trước đám đông là bé run cầm cập, nép vào mẹ. 
Ở lớp, dù biết nhưng bé cũng không bao giờ dám giơ tay khiến cô giáo liên tục nhắc nhở con không tích cực phát biểu. Ngay cả trò chuyện với bạn bè bé cũng rất e dè. Và lúc nào cũng trong tâm trạng sợ con bị bạn bè bắt nạt, sợ con buồn, chị cứ phải đi theo để chống đỡ, để nói hộ con. Chị không dám “thả” con ra với cuộc sống.
 Ảnh minh họa
Đây không phải là trường hợp duy nhất. Bởi không ít người vẫn than phiền khi con quá nhút nhát và lúc nào cũng lo sợ, nhưng chị họ lại càng “ủ” con kỹ hơn. Chính từ tâm lý ấy, đã tác động đến tâm lý và hành động của trẻ, không tạo ra những động lực để trẻ cố gắng khắc phục. Trong khi, để trẻ tự tin và hòa nhập vào cuộc sống, trước hết bố mẹ hãy làm gương bằng chính những hành xử trong cuộc sống của mình. Bởi con cái học cách đối xử với người khác như mình đã được đối xử, quan hệ với người khác như đã được đối xử trong gia đình. Nếu phụ huynh là những người sống hòa đồng và cư xử thân thiện với mọi người xung quanh, con cái sẽ học tập được điều đó. Còn bố mẹ có tính hay lo âu sẽ khiến cho trẻ có cảm giác thế giới này là một nơi đáng sợ, và bé sẽ trở nên rụt rè hơn. Bố mẹ cần đảm bảo con mình được chăm sóc và vây quanh bởi những người sống tích cực, để trẻ tiếp nhận và học hỏi thái độ sống tích cực đó từ từ.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng, bố mẹ đừng đặt ra những kỳ vọng quá cao ở trẻ khiến trẻ thấy rằng mình có cố gắng đến đâu thì bố mẹ cũng không bao giờ hài lòng, từ đó sẽ càng rụt rè và nhút nhát hơn nữa. Nên thật lòng khen ngợi bé vì những thành quả hoặc tiến bộ mà trẻ đạt được dù là nhỏ nhất trong mọi hoạt động. Đồng thời, có những việc bố mẹ cần đưa ra bàn bạc với con, lắng nghe ý kiến của con và các quyết định phải được chia sẻ để trẻ thấy vai trò của bản thân. Con cái cần có đủ lòng tin và được bố mẹ để cho tự do đưa ra các quyết định riêng, thậm chí nếu có sai lầm, bố mẹ sẽ giúp con nhận ra và đó là cơ hội để con học hỏi thêm, vượt lên chính mình.
Cùng với đó, nghiên cứu đã chứng minh trẻ em được vui chơi nhiều hơn ngoài trời sẽ tự tin, năng động hơn và tạo nền tảng khá vững chắc để trẻ phát triển kỹ năng sống. Chính trong môi trường vui chơi, sẽ hình thành cho trẻ những kỹ năng cơ bản như làm việc nhóm, lắng nghe, chia sẻ, quan tâm, chăm sóc người thân... Những trẻ được phát triển trong môi trường tự nhiên cũng có cơ hội được tiếp xúc nhiều với thế giới xung quanh để phát triển về nhiều mặt và học cách thích nghi với mọi hoàn cảnh khác nhau; biết tự giác tổ chức cuộc sống bản thân, biết cách tự bảo vệ bản thân trước sự nguy hiểm và biết cách vượt qua khó khăn. Đó là những kỹ năng quan trọng nhất, là chìa khóa tác động đến tất cả những mối quan hệ, hành động trong cuộc sống sau này và vượt qua sự nhút nhát. Nếu có được sự tự tin và hòa nhập, trẻ em sẽ trở thành một người lớn có tính độc lập, thể hiện đúng khả năng của mình trong cuộc sống...