Kỷ nguyên số tại Việt Nam: Muốn tồn tại, phải trau dồi kỹ năng

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể phá vỡ thị trường lao động, khiến hàng triệu người có nguy cơ thất nghiệp.

Tuy nhiên, những người có kỹ năng chuyên môn, biết tự nâng cao kỹ năng sẽ được hưởng lợi từ cuộc cách mạng này.
Người lao động thiếu đủ thứ

Tại hội thảo "Nguồn nhân lực và công nghệ cho kỷ nguyên số tại Việt Nam" diễn ra sáng 14/11, đại diện Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam cho biết, các DN đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài lớn nhất kể từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mới đây. Khảo sát Thiếu hụt nhân tài 2016/2017 của ManpowerGroup trên quy mô toàn cầu cho thấy, tới 40% trong số 42.000 DN gặp khó trong tuyển dụng - mức cao nhất từ năm 2007 đến nay. Tại Việt Nam, nhân sự quản lý cấp cao đang thiếu hụt trầm trọng, một phần do tình trạng “chảy máu chất xám” với số người làm việc ở nước ngoài năm sau cao hơn năm trước.

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội trong giờ thực hành công nghệ cao. Ảnh: Công Hùng

Đáng lưu ý, nguồn nhân lực Việt vẫn chưa phát triển kịp với tăng trưởng kinh tế. Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam Simon Matthews nêu rõ: Có tới 81,4% lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật. Lực lượng lao động này thiếu nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng tin học, ngoại ngữ. Với gần 10 triệu người lao động (NLĐ) đã qua đào tạo có trình độ cao, nhưng năng lực đổi mới, sáng tạo khoa học và công nghệ còn yếu kém. Cũng theo ông Simon Matthews, muốn tồn tại và phát triển, lực lượng lao động phải tự trau dồi và nâng cao các kỹ năng.

Sớm định hướng nghề nghiệp

Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mẫu Diệp cho rằng, cần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu, thích ứng với những công việc mới. Trong bối cảnh này, dịch vụ việc làm (DVVL) là hoạt động không thể thiếu trong thị trường lao động. “Không chỉ làm nhiệm vụ chắp nối giữa NLĐ và DN, giới thiệu việc làm, tư vấn, DVVL phải tổ chức tốt hơn thông tin thị trường lao động, tìm kiếm nhiều phương thức để hỗ trợ được DN và NLĐ” – ông Diệp nhấn mạnh.

Đi sâu vào ứng dụng CNTT trong hoạt động DVVL, đại diện Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH đưa ra nhiều giải pháp: Dùng các tính năng cơ bản của Worknet để giúp đăng ký và xử lý tìm việc trực tuyến, DN kiểm tra thông tin và tìm kiếm nhân sự mình muốn... Còn ông Simon đề xuất xây dựng một chương trình phối hợp giữa Cục Việc làm và các DN tuyển dụng lao động. Việc này nhằm mở rộng kênh thông tin về cơ hội việc làm cho người tìm việc, cũng như tăng cường các chương trình định hướng, tư vấn nghề nghiệp, chú trọng phát triển kỹ năng ngoại ngữ cho sinh viên và học viên trường nghề. Đồng thời xây dựng các dự án đào tạo để nâng cao kỹ năng cũng như tái đào tạo kỹ năng cho NLĐ. “Chúng ta làm việc này nhằm bảo đảm khả năng tìm việc và phát triển bền vững việc làm của NLĐ trong kỷ nguyên 4.0”- ông Simon khẳng định.
Khảo sát Thiếu hụt nhân tài 2016/2017 của ManpowerGroup, có tới 53% DN chọn cách đào tạo và phát triển nhân lực hiện tại, 36% tuyển dụng nhân lực ngoài chuyên môn, 28% tìm các chiến lược tuyển dụng thay thế cách làm truyền thống.