Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phó thủ tướng Phan Trọng Tuệ: Nhà lãnh đạo tài năng và tâm huyết

Thiên Tú – Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tôi rất tự hào về cha mình đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, càng vui hơn khi Chính phủ, các bộ, ngành, TP Hà Nội vẫn luôn nhớ đến cha tôi” – Đại tá Phan Thị Gia Liên, con gái đồng chí Phan Trọng Tuệ tâm sự với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trước ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha mình.

Người chiến sĩ cách mạng trung kiên

Trong phòng khách ấm cúng tại tư gia ở xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Đại tá Phan Thị Gia Liên - nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban Đảng ủy Công an T.Ư, phu nhân của nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn bồi hồi kể về người cha đáng kính của mình.

Sinh ra trong một gia đình có tinh thần giác ngộ cách mạng, bố là một trong những nghệ nhân giỏi nhất, nhì đất Sơn Tây lúc bấy giờ, chàng trai trẻ Phan Trọng Tuệ đã tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1934, khi mới 17 tuổi, ông đã tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương và hoạt động cách mạng tại Lào.

Năm 1940, tại hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Sơn Tây họp tại thôn Đa Phúc, ông Phan Trọng Tuệ được giao nhiệm vụ làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời, sau làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, rồi Bí thư Liên khu A gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam phụ trách công tác binh vận của Xứ ủy.

Suốt giai đoạn 1954 – 1961, ông Phan Trọng Tuệ đã đảm nhận nhiều chức trách quan trọng như Thiếu tướng quân đội, Phó Tổng thanh tra Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an Nhân dân vũ trang. Ở cương vị nào, ông cũng được ghi nhận với tài năng xuất chúng và nhiều chiến công vang dội.

Ghi dấu ấn trong ngành giao thông

Trong suốt chặng đường cống hiến của mình, ông Phan Trọng Tuệ đặc biệt để lại nhiều dấu ấn đối với ngành giao thông vận tải (GTVT) khi có hơn 17 năm trên cương vị Bộ trưởng. Sau Đại hội Đảng lần thứ III, năm 1961, ông Phan Trọng Tuệ được cử làm Bộ trưởng Bộ GTVT nhằm khơi dậy tiềm năng của ngành, khắc phục một khâu yếu để thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc.

Một trong những dấu ấn đậm nét trên cương vị Tư lệnh ngành GTVT của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ là quan tâm phát triển giao thông nông thôn và miền núi. Đầu những năm 60, đường sá ở nông thôn, miền núi còn nhỏ hẹp, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã báo cáo với Bác Hồ để tổ chức một hội nghị chuyên đề về công tác GTVT nông thôn, miền núi. Nhờ đó, phong trào làm đường giao thông nông thôn, miền núi đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Năm 1965 đã làm mới, mở rộng và sửa chữa 260.000km đường nông thôn, xây dựng và gia cố 152.000 cầu cống, đóng mới và sửa chữa được hơn 1,1 triệu xe thô sơ, thuyền các loại. Điều này góp phần hỗ trợ đắc lực cho cuộc chiến đấu chống Mỹ trong những năm tiếp theo.

Đặc biệt, những năm chiến tranh chống Mỹ, Thủ đô Hà Nội là địa bàn trọng yếu bị địch đánh phá. Do đó, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ rất quan tâm đến vấn đề đảm bảo giao thông thông suốt từ các hướng vào trung tâm Thủ đô. Hàng loạt hệ thống cầu phao, phà trên các tuyến sông Đuống, sông Hồng được hình thành. Theo tư liệu của ông Hoàng Huy Giao – Nguyên giám đốc Sở GTVT Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP giai đoạn 1974 – 1981, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã góp ý với Thủ đô Hà Nội xây dựng “chất xã hội chủ nghĩa trong vận tải hành khách”. Trong đó bàn với các cơ quan Nhà nước dành các xe chở khách phân phối cho Thủ đô để xây dựng một công ty xe khách. Năm 1962, Công ty Xe khách Thống Nhất được ra đời với hoạt động vận tải xe buýt và xe khách liên tỉnh, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành GTVT Hà Nội như hiện nay.

Phát huy truyền thống

Những ngày đầu tháng 7, Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, TP Hà Nội và gia đình tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ tại quê gốc ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Nhà tưởng niệm của ông nằm yên bình giữa không gian của làng quê đang trên đà phát triển. Rất nhiều bức ảnh đen trắng, ảnh màu tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp đấu tranh cách mạng, công tác của ông Phan Trọng Tuệ được treo ngay ngắn, trang trọng như nhắc nhớ về một vị tướng tài năng, một Bộ trưởng ngành GTVT đầy tâm huyết. Trong căn nhà ấy, các ông Phan Trọng Quân, Phạm Quang Tuyến là cháu ruột của ông vẫn thay nhau gìn giữ, thăm nom cẩn thận.

Ngày hôm nay (7/7), Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tổ chức trọng thể lễ dâng hương kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Lai Luật chia sẻ, đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, là dịp để giáo dục lịch sử, phát huy truyền thống, lòng yêu nước, ý chí cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Huyện Quốc Oai đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị liên quan, đảm bảo an ninh trật tự, ATGT, vệ sinh môi trường… đảm bảo cho lễ diễn ra an toàn, chu đáo.

“Trên mọi cương vị, đồng chí Phan Trọng Tuệ đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, năng động, tận tụy trong công tác, là một cán bộ gương mẫu, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần