Kỷ niệm 429 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/1, tại Khu di tích lịch sử văn hóa đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng đã diễn ra lễ kỷ niệm 429 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đây là hoạt động nhằm tiếp tục tuyên truyền giới thiệu về thân thế, sự nghiệp và công lao của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống hiếu học, phát huy các giá trị văn hóa, tình yêu quê hương đất nước.
Hoạt cảnh hát chèo về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại lễ hội.
Hoạt cảnh hát chèo về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại lễ hội.
Hoạt động này cũng góp phần hoàn thiện hồ sơ để Nhà nước công nhận Khu di tích lịch sử đền thờ văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.

Sau phần khai mạc lễ hội, dâng hương, Ban Tổ chức lễ hội đọc Chúc văn tưởng niệm Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ca ngợi phẩm hạnh và những đóng góp của ông với sự nghiệp của nước nhà.

Cùng với các hoạt động múa trống, múa lân, múa rồng, hoạt cảnh chèo, trong hai ngày 18-19/1 sẽ diễn ra nhiều hoạt động khác như khai mạc giải vật truyền thống, liên hoan ca múa nhạc dân tộc, chương trình múa rối cạn Đồng Minh...

Danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lợi, phu Hạ Long, trấn Hải Dương, nay là làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Thuở nhỏ ông rất giỏi nhưng do xã hội rối ren nên đến năm 44 tuổi ông mới ứng thi và liên tiếp đỗ đầu khoa thi Hương năm 1534, thi Hội, thi Đình năm 1535 và giành học vị Trạng Nguyên. Sau đó, ông làm việc dưới triều Mạc gần 8 năm.

Khi Mạc Đăng Dung mất, triều chính ngày một bất ổn. Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ xin chém đầu 18 lộng thần nhưng vua Mạc Phúc Hải không chấp thuận.

Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan, về quê dựng Am Bạch Vân, mở trường học, lấy hiệu là Bạch Vân cư sỹ. Học trò của ông có nhiều người nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Giáp Hải...

Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã sáng tác hàng nghìn bài thơ, cả chữ Hán và chữ Nôm. Người đời tương truyền ông có nhiều bài sấm khái quát tầm nhìn thời thế ứng nghiệm và được suy tôn là “nhà tiên tri” số một của Việt Nam.

Vĩnh Bảo là huyện đồng bằng xa nhất của Hải Phòng, Nhân dân chủ yếu làm nghề nông nghiệp song rất có truyền thống hiếu học.

Huyện Vĩnh Bảo có Trường phổ thông trung học Vĩnh Bảo được mệnh danh là trường làng có nhiều học sinh đỗ thủ khoa nhất cả nước. 5 năm trở lại đây, ngôi trường này mỗi năm đều có 4-5 học sinh đỗ thủ khoa tại các trường đại học trong cả nước.