Kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam: Nâng tầm vị thế Việt Nam

KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến thắng 30/4/1975, một mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc, đưa non sông liền một dải.

Chiến thắng ấy cũng là bệ đỡ để đất nước thêm bản lĩnh, vững niềm tin vượt lên khó khăn, thử thách chung sức hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới. Chiến thắng đó còn là động lực để chúng ta vươn ra biển lớn hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam.
Từ dấu mốc 44 năm nhìn lại, dù đời sống xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những thành tựu ấn tượng của đất nước trong những năm vừa qua, đặc biệt là thành quả quan trọng của hơn 30 năm đổi mới. Kinh tế phát triển toàn diện trên mọi mặt trận, tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế được nâng lên, nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm tăng cao, điển hình như năm 2018 đạt 7,08% - mức cao nhất trong một thập kỷ qua.
Xã hội ổn định, đời sống người dân được cải thiện, hạ tầng phát triển nhanh chóng với nhiều khu đô thị hiện đại, hệ thống giao thông dần được hoàn thiện. Từ đói nghèo, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Từ một đất nước chỉ được nhắc tới qua các cuộc chiến tranh vệ quốc chống giặc ngoại xâm, giờ đây Việt Nam được cả thế giới biết tới là điểm đến an toàn, thân thiện, nơi mở ra những cơ hội mới cho các nhà đầu tư và là điểm đến lý tưởng của những người mong muốn tìm hiểu, khám phá một nền văn hóa lâu đời, bản sắc độc đáo.
Chưa bao giờ vị thế của Việt Nam lại lên cao như thế, với những bước đi tự tin để hội nhập với thế giới. Việt Nam hiện nay không chỉ là một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, thành viên chính thức của APEC, ASEM và WTO, CP TPP… mà còn đã và đang đóng góp tích cực vào những vấn đề lớn của nhân loại tại nhiều diễn đàn đa phương quan trọng.
Có thể kể ra rất nhiều những dấu ấn khẳng định vị thế Việt Nam như tổ chức thành công những hội nghị cấp cao quy mô lớn, trong đó có APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU - 132), Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2019…; tăng cường các nỗ lực đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc (năm 2018, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc tại Nam Sudan)…
Gần đây nhất, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai đã được chọn tổ chức ở Hà Nội, một lần nữa, cho thấy Việt Nam tiếp tục giành được sự tin cậy chiến lược ở khu vực, một điểm đến kết nối, kiến tạo hòa bình. Qua sự kiện này, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, hữu nghị, lịch thiệp, an toàn đã được truyền tải tới bạn bè thế giới, nâng cao vị thế, tầm vóc và sức ảnh hưởng của đất nước.
Và hai tiếng Việt Nam cũng được nhắc đến cùng sự kiện rất đặc biệt khác khi Hà Nội chính thức được trao quyền đăng cai Giải đua Công thức 1 thế giới (F1) vào năm 2020 với tên gọi “Hà Nội - Việt Nam”. Việc viết tên trên bản đồ thể thao thế giới không chỉ đóng góp một phần to lớn lợi ích đối với kinh tế, du lịch, mà cũng cho thấy hình ảnh một đất nước đang đổi mới mạnh mẽ, đóng vai trò ngày càng tích cực hơn vào đời sống quốc tế đương đại.
Kỷ niệm chiến thắng 30/4 là dịp để chúng ta nhìn lại, trân trọng quá khứ, củng cố niềm tin để bước tiếp với hùng khí của dân tộc, sẵn sàng đương đầu với thách thức, tận dụng thời cơ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo, mở ra những cơ hội mới để tiến tới mục tiêu quốc phú, dân cường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần