Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2019): Ấm lòng nơi biên cương

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Men theo những vách núi đá cheo leo, thẳng đứng và bồng bềnh trong sương, chúng tôi tìm đến những “mái nhà xanh” xa xôi nhất của tỉnh Hà Giang.

Tại đây, chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống của những người lính mang quân hàm xanh, cảm phục những con người đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng đời sống Nhân dân ngày càng no ấm.
Những cung đường hiểm nguy
Đi qua con đường quanh co bên sườn núi Tây Côn Lĩnh, vượt qua Cổng trời, chúng tôi cảm giác như mình đang tan vào mây, chạm vào biên giới của trời. Qua Cổng trời 1, Cổng trời 2, qua cái giá buốt của vùng núi quanh năm sương mù bao phủ, chúng tôi đến huyện Hoàng Su Phì. Từ đây, bắt đầu một hành trình khác để đi vào đồn biên phòng bản Máy.
Từ thị trấn Hoàng Su Phì vào bản Máy chỉ khoảng 35km nhưng phải đi mất 2 giờ đồng hồ. Con đường quanh co ven sườn núi, đi qua bản Phùng, bản Pắng, Chiến Phố, qua những ngôi nhà cheo leo như những cái hộp diêm nằm dán vào vách núi.
 Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang thăm hỏi, động viên người dân. Ảnh: Lại Tấn
Trên chiếc xe ô tô vượt qua các con đường, tôi không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu khúc cua tay áo và bao nhiêu lần lắc lư, đầu đập vào kính vì đường bê tông bị cày nát sau những lần sạt lở. Đường đi khó khăn, nhìn trước là núi, ngoảnh sau là rừng, mịt mù trong mây khói, giá lạnh, tuyệt nhiên không một bóng người, chúng tôi mới hiểu được cuộc sống thiếu thốn và sự sống diệu kỳ của người dân Hà Giang. “Cách đây chục năm, nếu các anh đến cửa khẩu sẽ đi bộ từ sáng tới chiều, lúc đó chưa có đường đi lại như thế này” – một người lính tại Đồn biên phòng bản Máy chia sẻ.
Hai tiếng đồng hồ với cảm giác "phiêu" của cung đường mạo hiểm, chúng tôi vượt con dốc cuối cùng gần như thẳng đứng để lên độ cao hơn 1.100m vào Đồn biên phòng Bản Máy. Đứng trên Đồn biên phòng Bản Máy nhìn xuống, chỉ thấy núi và một màu xanh ngút ngàn. Những bản làng của người Tày, Nùng, La Chí nép mình bình yên bên núi và dòng suối Đỏ, ranh giới phân chia nước ta và nước bạn.
Đón tiếp chúng tôi, Thượng tá Bùi Thế Lương - Chính trị viên Đồn biên phòng Bản Máy cho biết: “Diện tích xã Bản Máy khoảng hơn 2.000ha. Đồn biên phòng Bản Máy quản lý hơn 19,6km đường biên giới với 27 cột mốc biên giới. Xã có 4 thôn với 446 hộ, trong đó có khoảng 200 hộ nghèo, 10 hộ đặc biệt nghèo. Người dân trên địa bàn dân tại đây làm lúa ngô là chính”.
Tấm lòng người lính
Hành trang khi chuyển công tác từ Đồn biên phòng Đồng Văn sang Đồn Bản Máy của Đại úy Vàng Kháy Phỏng - Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng Bản Máy là sự chia tay bịn rịn, là những lời cảm ơn không ngớt của một cặp vợ chồng người Mông sống ở thôn Sì Phài, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Sự việc xảy ra cách đây đã 7 năm nhưng Đại úy Phỏng vẫn chưa quên hình ảnh người chồng ngật ngưỡng bên chén rượu, quyết không cho ai vào cứu người vợ đã bị chồng đánh trọng thương, đang nằm gục trong nhà.
“Mâu thuẫn trong gia đình cặp vợ chồng này không bắt nguồn từ việc gì to tát cả. Người chồng đi uống rượu say về mất khôn, đuổi, đánh vợ. Bà con báo cho Công an thị trấn Đồng Văn nhưng người chồng, trong cơn quẫn trí, cương quyết cố thủ trong nhà. Cũng may là anh ta lại nghe lời tôi. Thấy tôi tay không, một mình đi vào nhà, nhiều người lo lắng can ngăn. Nhưng vì lo cho tính mạng người phụ nữ nên tôi không quản ngại gì” - Đại úy Phỏng nhớ lại.
May mắn bởi cùng là người dân tộc Mông, Đại úy Phỏng bằng cái lý của người Mông, buộc anh chồng đang trong cơn say mềm đồng ý để bộ đội đưa chị vợ đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện. Trong suốt hàng chục ngày sau đó, anh còn thuyết phục được người đàn ông này đi chăm vợ tại bệnh viện và hàn gắn tình cảm hai người. “Vợ chồng họ sau đó sống ổn thỏa, vui vẻ lắm. Khi tôi chuyển công tác, họ dắt theo hai đứa con đến cảm ơn và lưu luyến mãi” - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Máy kể.
Cung cấp cho tôi tờ thống kê danh sách 18 cặp trai gái tảo hôn đã được can thiệp kịp thời trong năm 2018, Trung tá Lục Văn Phong - cán bộ biên phòng tăng cường, hiện đang giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, Hà Giang không khỏi buồn lòng. Hai cái tên Lò Thị Hà, sinh năm 2004 và Lò Khái Vương, sinh năm 2006, đều ở thôn Tả Súng Chư, xã Nghĩa Thuận được in đậm trong bản danh sách bởi họ là cặp tảo hôn nhỏ tuổi nhất.
Trung tá Phong cho biết, gia đình của cả Hà và Vương đều hết sức khó khăn, nằm trong diện hộ nghèo của thôn Tả Súng Chư. Chính vì cái nghèo, cái khó quẩn quanh bao đời nên cả hai đều bỏ học và sớm tiến đến hôn nhân. Nhận được thông tin về cặp tảo hôn này, Trung tá Phong vội vượt 6km đường rừng để đến thôn xa nhất trong xã, thuyết phục bằng được bố mẹ Lò Thị Hà trả lại sính lễ, nào gà, nào rượu mà nhà Lò Khái Vương đã mang đến và tuyên bố hủy hôn.
“Với những trường hợp tảo hôn như vậy, chỉ cần mình chậm chân một chút, từ 2 - 3 ngày sau khi nhà trai mang sính lễ đến là đã kéo cô dâu về thì việc thuyết phục cũng chẳng còn ý nghĩa nữa. Với những cặp tảo hôn như vậy, họ sẽ không đăng ký kết hôn được, con không mang họ bố, để lại nhiều hệ lụy về sau” - Trung tá Phong chia sẻ.
Giúp đỡ người dân
Để giúp đỡ người dân nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Bản Máy đã thành lập 6 tổ công tác, phân công mỗi tổ phụ trách từng địa bàn, gia đình. Tổ công tác thường xuyên có trách nhiệm động viên tinh thần, tìm hiểu trình độ, nhận thức, lai lịch của người dân cũng như mong muốn, nguyện vọng của họ trong cuộc sống. Qua đó, các cán bộ chiến sĩ biên phòng nắm được tâm tư, tình cảm của người dân, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp giúp đỡ, nhất là những hộ đặc biệt nghèo.
“Cứ ngày lễ, Tết hoặc dịp tròn 6 tháng 1 năm, bộ đội biên phòng bản Máy lại có quà thăm hỏi, động viên. Tết Kỷ Hợi vừa rồi, Đồn biên phòng Bản Máy mời tất cả hộ nghèo, gia đình chính sách đưa cháu là con nuôi của lực lượng biên phòng về đồn, tổ chức ăn Tết. Sau đó, trao quà cho hộ nghèo là 300.000 đồng/hộ, mỗi cháu 1,5 triệu đồng/quý. Ngoài ra, trong dịp Tết, chúng tôi thu xếp mỗi thôn cử một tổ công tác đi xuống ăn Tết cùng người dân, đến động viên, thăm hỏi, kết hợp với công tác tuyên truyền” - Thượng tá Bùi Thế Lương, Chính trị viên Đồn biên phòng Bản Máy cho hay.
Chia tay Đồn biên phòng Bản Máy trong một buổi chiều tà, những trăn trở của người lính biên phòng mãi ám ảnh chúng tôi. Họ không ngại khó, không ngại khổ, chỉ mong ước có cơ chế chính sách để giải phóng sức lao động cho dân, quy hoạch về vùng kinh tế để có công việc phù hợp. Đặc biệt, địa phương nên dành kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa đường sá để giao thông đi lại thuận tiện, người dân giao thương dễ dàng hơn.

"Chúng tôi thường thăm hỏi kết hợp công tác tuyên truyền đến từng hội dân về pháp luật, ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên xuống nhà trường, đưa các cháu đi trải nghiệm, giới thiệu cho các cháu biết đường biên, cột mốc, ý nghĩa của việc bảo vệ biên giới. Bên cạnh đó, bộ đội biên phòng phối hợp với địa phương tuyên truyền qua hình thức phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc." - Thượng tá Bùi Thế Lương– Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Máy