Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019): Nhớ một Trường Sơn huyền thoại

Thiếu tướng Tô Đa Mạn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 10 năm bám trụ giữa Trường Sơn mưa bom, bão đạn, để mở những con đường huyết mạch nối liền hậu phương và tiền tuyến, những người lính Trung đoàn 98 đã lập nên nhiều kỳ tích. Chỉ với cuốc, xẻng, họ đã khai phá, xây dựng nên hàng chục tuyến đường cơ giới với tổng chiều dài trên 3.000km.

Bài 2: Xẻng tay viết nên trang sử hồng
Bộ đội Trường Sơn "Mở đường mà tiến".
Gian khó ló khôn ngoan
Giữa rừng núi Trường Sơn hoang vu, rậm rạp, lại là đơn vị tiên phong, việc mở đường cơ giới thiếu thốn đủ bề. Bộ đội làm suốt ngày suốt đêm nhưng chỉ chia nhau bát cháo, củ khoai, củ sắn, còn cơm phần cho những chiến sĩ bị ốm. Rất may là đi qua nhiều vạt rừng có măng, bộ đội hái măng luộc ăn thay cơm, rồi bắt cá dưới suối cải thiện, cầm cự được một thời gian dài. Thế nhưng, mưa rừng gió núi, rừng thiêng nước độc, cũng khiến cho bao nhiêu chiến sĩ bị hành hạ bởi những cơn sốt rét ác tính. Để khắc phục, anh em bộ đội truyền nhau “bí kíp” đào giun, phơi khô đốt rồi pha nước uống. Những bữa cơm, vắt chồm qua miệng là chuyện thường ngày nhưng ai cũng vui vẻ, lạc quan, dốc sức mở đường.
Sau 11 năm chiến đấu, mở đường trên tuyến Trường Sơn, vượt qua biết bao khó khăn gian khổ, chiến sĩ Trung đoàn 98 đã mở gần 3.000km đường ô tô trên Trường Sơn, đánh hàng trăm trận, bắn rơi 38 máy bay địch, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ - Ngụy, phá gỡ hàng vạn bom mìn các loại, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường. Trung đoàn có 3 đồng chí được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân: Hoàng Văn Nghiên, Nguyễn Bá Tòng, Phạm Văn Cờ.

Do yêu cầu làm đường bí mật, để tránh sự phát hiện của kẻ thù, việc mở đường cơ giới Trường Sơn được thực hiện hoàn toàn bằng các phương tiện thô sơ, không được sử dụng bộc phá. Trong gian khó ló khôn ngoan, anh em cán bộ, chiến sĩ vận dụng hết kiến thức được học cũng như kinh nghiệm thực tế để sáng tạo làm đường. Dụng cụ khảo sát thiết kế chỉ có la bàn, thước đo độ dài chính là bước chân nhưng việc phá đá, bạt đồi để mở đường cứ phăng phăng tiến triển.

Đầu năm 1965, Trung đoàn 98 vượt sông Bạc. Trong lúc đó, Mỹ đã bắt đầu dùng máy bay để trinh thám con đường, thả bom, bắn phá và dùng chất độc hóa học để tận diệt những cánh rừng. Để tiếp sức cho Trung đoàn 98, Bộ Tổng tham mưu quyết định cử thêm Trung đoàn 279 vào cùng sát cánh mở đường cơ giới. Tháng 12/1965, con đường nối từ sông Bạc đã thọc sâu vào tận Tà Xẻng (Lào), ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Đường mở tới đâu, các chuyến xe cơ giới cùng hàng hóa, vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực lăn bánh theo sau đến đó. Cuối năm 1965, một đoàn xe lớn đã vào giao hàng tận tay các chiến sĩ giải phóng và đồng bào ở Tây Nguyên.

Trung đoàn thần tốc

Mặc dù con đường cơ giới chạy dọc Trường Sơn từ Mường Noòng đã thọc thẳng vào tận Phi Hà - Tà Xẻng (Lào), chạm chiến trường, sào huyệt địch nhưng đang bị máy bay Mỹ bắn phá dữ dội, chỉ sau vài loạt bom là đường lại tắc. Do đó, đầu năm 1966, Trung đoàn 98 nhận được lệnh cấp tốc làm con đường C4, đi thẳng từ phía Tây sang Lào rồi xuôi về Campuchia - nối liền ngã ba Phi Hà - Tà Xẻng với Xiêm Pạng của Campuchia, để vận chuyển hàng hóa, lương thực ở đây ngược trở về ngã ba biên giới nhằm chi viện cho chiến trường.

Mùng 2 Tết Bính Ngọ (1966), gác lại không khí Tết cổ truyền, cả Trung đoàn lại lao vào mở con đường C4. Chiến sĩ của Trung đoàn phải ngụy trang thành những cửu vạn làm thuê cho một ông chủ ở Xiêm Pạng có tên Đức Phương, một người quân ta được cử sang để thu mua lương thực, thực phẩm, quân trang, xăng dầu ở Xiêm Pạng… để đưa về các kho chứa ở Tà Xẻng. Cả trung đoàn lại quên ăn quên ngủ, lao vào đục đá, chặt cây, lấp ngầm để tạo nền đường cho xe chạy. Yêu cầu chi viện cho chiến trường mỗi lúc một gấp rút hơn. Có những lúc chiến sĩ chỉ thay kịp nhau chợp mắt vài chục phút lại lao vào cuốc đất mở đường.
Đại tá Hoàng Phục Hưng bàn giao hiện vật lịch sử là “Lá cờ giải phóng” của Trung đoàn 98 cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Lam Hạnh
Sau đúng 38 ngày, cả một con đường ô tô dài 204km đã hoàn thành. Một kỷ lục hiếm có trong lịch sử làm đường Trường Sơn huyền thoại. Những địa danh khó khăn nhất như Chín Suối, Lâm Phu, đèo 200, Nậm Kông đều đã được thi công nhanh chóng. Đường C4 khai thông có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mở ra một hướng vừa khai thác vừa vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam. Kết thúc đường C4, Trung đoàn 98 đã nhận được phần thưởng lá cờ đầu tiên “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và được Bộ Tư lệnh 559 tặng ngay danh hiệu “Trung đoàn thần tốc”.

Từ những năm 1966 - 1968, một mũi của trung đoàn (D3) lại tiếp tục mang ngọn cờ thần tốc đi sâu vào Tây Nguyên. Vẫn với ba lô, gậy tầm vông, bao gạo trên lưng, Tiểu đoàn 3 vừa mở đường vừa chiến đấu, vượt qua Ăng Bun hiểm trở tới Sa Thầy, vượt sông Pô Cô, cắm lá cờ tại Sêrêpôk, điểm sâu nhất của đường 128 lúc này. Trong khi đó, hai tiểu đoàn khác triển khai đảm bảo giao thông đường C4 và đoạn đường 128 gần 300km của Binh trạm 37, binh trạm đầu mút của Đoàn 559, trực tiếp vận chuyển cho chiến trường Tây Nguyên.

Trường Sơn - nghĩa và tình

Từ tháng 8/1964 đến tháng 8/1968, sau đúng 4 năm ròng rã, con đường cơ giới “bổ dọc” Trường Sơn từ điểm đầu tiên Sa Đi - Mường Noòng (Lào) vào tận Sêrêpôk của Tây Nguyên (điểm chót con đường) đã hoàn thiện. Ấy là con đường đặt nền móng cho một cuộc tổng tấn công giành thắng lợi hoàn toàn vào 8 năm sau (tháng 4/1975). Thế nhưng, để khai sinh ra con đường cơ giới đầu tiên và đặc biệt là để giữ được con đường, chắp nối giao thông, đảm bảo liền mạch cho người và xe đi trong suốt những năm giặc Mỹ liên tục truy lùng, bắn phá, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn… không ít người đã phải nằm lại giữa rừng già Trường Sơn.

Vậy là 60 năm đã qua, kể từ ngày Trung đoạn 98 mở mét đường đầu tiên giữa Trường Sơn, tôi đã có vài lần trở lại Trường Sơn, thăm chiến trường xưa. Trên những mảnh đất đã từng in đẫm máu đồng đội, đồng bào, giờ đây đã có nhiều thay đổi. Một con đường mới, mới trong mục tiêu xây dựng huyết mạch nối gần con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa giữa các vùng, miền trên cả nước đã hiện hữu. Khác với thời của chúng tôi mở đường chỉ có cuốc chim và ý chí sắt đá, những con người đi mở đường Trường Sơn hôm nay đã và đang làm chủ công nghệ mới trong cuộc chinh phục đại ngàn Trường Sơn.