Kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân: Nhiều thành tựu nổi bật

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển (26/7/1960 - 26/7/2020), ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Một là, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Quốc hội, sự phối hợp của Chính phủ, MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành, sự ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

Hai là, ngành Kiểm sát nhân dân xác định công tác cán bộ là cơ sở, nền tảng, là khâu đột phá để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; tập trung kiện toàn, tinh gọn bộ máy và xây dựng đội ngũ lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên tất cả các khâu, lĩnh vực công tác; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chuyên môn trong tình hình mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Viện Kiểm sát nhân dân nhân dịp Kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020) 

Ba là, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự luôn được chú trọng, tập trung thực hiện tốt, đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Đặc biệt, trong thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã tập trung chỉ đạo phối hợp giải quyết nhiều vụ án điểm, án tham nhũng, các vụ án được dư luận quan tâm, đồng tình, ủng hộ; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bốn là, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động; đã kịp thời khởi tố, điều tra nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp và các vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp; đảm bảo tiến độ giải quyết án, không để xảy ra oan, sai, vi phạm tố tụng; tỉ lệ thu hồi tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp đạt tỷ lệ cao. Cùng với công tác đấu tranh chống tội phạm, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chú trọng làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm, ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp áp dụng biện pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật, chấn chỉnh, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động tư pháp.

Năm là, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã tập trung thực hiện tốt hơn công tác kiểm sát hoạt động tư pháp; nhất là công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại. Mặc dù khối lượng công việc đối với các loại vụ án này tăng lên hàng năm, nhưng Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã có nhiều biện pháp làm tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên tại phiên tòa; từng bước thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo quy định mới của các đạo luật về tư pháp; kịp thời phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động tố tụng.

Sáu là, Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc về cải cách tư pháp và chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, xây dựng pháp luật; tập trung phổ biến, quán triệt những quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, những quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, các đạo luật về tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bảo đảm chất lượng nghiên cứu, xây dựng, thực hiện các đề án về đổi mới tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm; đổi mới chế độ, chính sách đối với ngành Kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Bảy là, ngành Kiểm sát nhân dân không ngừng đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, mở rộng quan hệ song phương, đa phương với Viện kiểm sát, Viện công tố, cơ quan tư pháp các nước và các tổ chức quốc tế trong xây dựng, thực thi pháp luật; trao đổi kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, nghiệp vụ điều tra tội phạm mạng.

Tám là, quán triệt chủ chương của Đảng và thực hiện quy định của Nhà nước về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, bảo đảm thi đua, khen thưởng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kiện toàn tổ chức cán bộ, xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác thi đua, khen thưởng; bảo đảm các phong trào thi đua thiết thực, gắn với kết quả thực hiện vụ nhiệm vụ chính trị của Ngành; công tác khen thưởng chính xác, kịp thời hơn nên đã phát huy ý nghĩa tích cực.

Chín là, để tăng cường các điều kiện bảo đảm cho Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động xây dựng triển khai thực hiện nhiều đề án đầu tư các nguồn lực cho toàn Ngành, từng bước bảo đảm trang thiết bị, phương tiện cho các đơn vị theo định mức, phục vụ thiết thực cho công tác; đã đổi mới toàn diện trang phục của Ngành, bảo đảm đẹp và uy nghiêm; đã trang bị xe máy, máy photocopy, máy vi tính, máy ảnh, máy quay phim… cho Viện kiểm sát các cấp, đặc biệt đã trang bị xe ô tô chuyên dùng cho một số Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

Mười là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng được quan tâm, thực hiện và đạt hiệu quả hơn. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác tuyên tuyền; thành lập Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền trong Ngành. Cùng đó, tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chú trọng tuyên truyền công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, những quy định mới của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, các đạo luật mới về tư pháp; kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành; tuyên truyền, giáo dục truyền thống về lịch sử xây dựng, phát triển, hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp nhân dịp hướng tới Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020).

Thời gian tới, với truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; thực hiện tốt công cuộc cải cách tư pháp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực hội nhập, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Với những cống hiến của ngành Kiểm sát nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng trong suốt 60 năm, từ năm 1960 đến năm 2020, ngành Kiểm sát nhân dân đã vinh dự 3 lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 1985, 1990 và năm 2020; được tặng thưởng Huân chương Sao vàng năm 2010; được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2015.