Kỷ niệm 60 năm Truyền thống Bộ đội Trường Sơn 19/5/1959 - 19/5/2019: Khánh thành cầu treo Đakrông

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phía bờ Nam dòng Đakrông hình thế hai ngọn núi như miệng con Rồng (hàm Rồng), trong khi ngọn núi án ngữ phía Bắc giống đầu con Rồng, phải chăng từ cách phát âm của cư dân bản địa đã biến cụm từ “Đầu con rồng” (tiếng phổ thông) thành địa danh đặc biệt Đôcờrông-Đakrông?

4 năm sau dưới giảng đường Mễ Trì - Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi nghe anh Hoàng Nhuận Cầm đọc như lên đồng bài thơ “Hành khúc cao xạ pháo”
"Con đường rừng lưa thưa trăng sáng
Con đường đèo chạng vạng hoàng hôn
Con đường mòn hố bom, hố pháo pháo
Con đường hào sũng nước mưa tuôn
Con đường đi tình anh không thể khác
Mặt trời tụt dần sau vết bánh xe lăn..."
Ông Trần Đức Huy cùng các cựu TNXP (quê Thanh Chương, nhập ngũ 4/1965) gặp mặt tại Cửa Lò 2016

Ngày đó tôi chưa biết Đakrông được đặt làm tên sông, tên núi, tên cầu. Sau ngày nước nhà thống nhất lập xã mới huyện mới cũng mang địa danh Đakrông. Trong chiến tranh công binh Trường Sơn bắc cây cầu sắt qua sông Đakrông gọi là cầu Đakrông. Sau ngày thống nhất thay cây cầu sắt bắc trong chiến tranh bằng cầu treo (cũ) dài 100m, rộng 6m.
Đầu thế kỷ 21 Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 (CENCO4) tham gia xây dựng “đường Trường Sơn công nghiệp hóa hiện đại hóa”, đồng thời xây lắp luôn cầu treo dây văng Đakrông (mới). Khởi công tháng 5/2000, tháng 7/2003 khánh thành thông xe, đây là cầu treo dây văng đầu tiên do người Việt Nam thiết kế thi công.
Hôm trước lễ khánh thành tôi theo xe anh Trần Đức Huy - Tổng giám đốc CENCO4 vào Quảng Trị dự lễ. Gần 400 cây số Vinh - Đakrông, ngồi cùng xe tôi biết anh Trần Đức Huy từng là chiến sỹ Thanh niên xung phong (TNXP).
Sinh năm 1946 quê xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, tháng 6/1965 anh Huy vừa xong lớp 10/10 đang ôm mộng vào đại học, đùng cái có lệnh gia nhập “binh chủng không quân hiệu quân hàm”. C312, Đội 73 TNXP Nghệ An buổi đầu thành lập có 120 người quê huyện Thanh Chương, 60 người quê huyện Nghi Lộc, nhiệm vụ ngày đêm bám trụ san lấp hố bom, ứng cứu giao thông tại các trọng điểm Hoàng Mai, Diễn Châu, Cầu Cấm, Tân Kỳ, các tuyến “xương cá” nối với đường Trường Sơn qua đất Nghệ An.
Từ buổi đầu cấp trên phân công Trần Đức Huy làm tiểu đội trưởng và thành viên Ban cán sự văn hóa của C312, ngày làm nhiệm vụ chuyên môn, tối làm công việc dạy văn hóa cho anh chị em trong đơn vị. Sau đó trên điều chuyển anh Huy sang Đội 85 TNXP đường sắt phía Nam. Năm 1969 anh được đơn vị cử đi học Đại học Giao thông vận tải Hà Nội.
- Từng thập tử nhất sinh dưới bão đạn mưa bom, nghĩ về thời binh lửa anh trăn trở nhất điều gì?
Nghe tôi hỏi, anh Huy nhỏ nhẹ như chỉ để mình nghe:
- Số phận bi thương của dân tộc buộc người Việt nhiều lần đứng lên xua đuổi xâm lăng giữ nước. Nơi hòn tên mũi đạn sống chết không ranh giới, không tránh khỏi mất mát hy sinh. Từ tháng 8/1968 Mỹ thực hiện “nấc thang cuối cùng”, đường sắt từ Hà Nội vào các tỉnh Khu 4 bị tê liệt, các tuyến đường bộ trên đất Nghệ An ngày đêm chìm trong mưa bom từ trời, pháo kích từ biển. Đầu tháng 9/1968 ta mở chiến dịch đường thủy mang tên Sông Lam, huy động hàng vạn lượt người thuộc các lực lượng, hàng tháng bám trụ nạo vét khơi thông Kênh Nhà Lê từng là phế tích, dòng chảy đã bị ô nhiễm đèn ngòm. Nhiều người tham gia nạo vét, tham gia vận chuyển hàng hóa bằng thuyền đã nằm lại trên tuyến kênh lịch sử này.
Điều trăn trở nhất là hàng ngàn cô gái mười tám đôi mươi nhiều đêm ngâm mình dưới dòng ô nhiễm, hầu hết chị em bị nhiễm khuẩn da thịt lở loét, nhiều người được được điều trị kịp thời, nhiều người vì không lường được mức độ nguy hiểm để bệnh phụ khoa quá nặng, điều trị không kết quả, trở về lấy chồng nhưng bị vô sinh, rồi đường ai nấy đi, chịu cảnh độc thân đến già, chi em mất mát như thế vẫn chưa được hưởng trợ cấp “Người có công”.
Chúng tôi lặng lặng nhìn nhau.
***
Tối ấy tôi không nghỉ lại Khách sạn tại thị xã Đông Hà, tiếp tục theo xe lên Đakrông để được một đêm “ba cùng” với đội ngũ xây dựng cầu CENCO4. Đêm ấy tôi là nhà báo duy nhất có mặt cùng bà con Vân Kiều làm Lễ tạ ơn. Chuyện là trước đó mấy hôm các già làng của 85 hộ dân ở khu vực bờ Bắc và 40 hộ dân ở bản Xa Lăng bờ Nam, đến gặp Ban chỉ huy xây lắp cầu.
- Người Vân Kiều làm nhà cưới vợ đều làm Lễ tạ ơn trời đất tổ tiên mới yên cái bụng. Nay Chính phủ làm cho bà con cây cầu để đôi chân được khoẻ hơn, cái bụng được no hơn, đồng bào biết ơn nhiều lắm. Được ơn thì phải tạ ơn, không được tạ ơn bà con dân bản không nỡ bước lên cầu.

Thấy cái lý cái tình của đồng bào Vân Kiều vững như ngọn Đakrông, cán bộ đơn vị thi công gật đầu để các già làng chọn ngày lành giờ tốt tiến hành Lễ tạ ơn trước khi phát lệnh thông xe. Cũng tối ấy, tôi cùng anh em CENCO4 làm Lễ thắp hương tưởng niệm 7 liệt sỹ quân giải phóng hy sinh tại đầu cầu, an táng bờ Bắc Đakrông. Để thi công đầu cầu bờ Bắc, CENCO4 cùng địa phương cất bốc 7 mộ liệt sỹ di dời, an táng cách chỗ cũ chừng 500m về phía thượng nguồn.
Cầu treo dây văng Đakrong do CENCO4 thi công xây dựng (thời ông Trần Đức Huy làm Tổng giám đốc)
Đêm ấy trận mưa kéo dài đến khuya mới tạnh, cầu mới Đakrông rợp trong băng rôn biểu ngữ, Lễ tạ ơn do các già làng chủ trì. Khoác thêm áo ấm ra giữa cầu tôi thấy hai chiếc bàn đặt ngay ngắn giữa cây cầu, hàng trăm người dân đứng kín đầu cầu phía Bắc. Tôi cùng anh em thợ cầu nghe già làng đọc bài cúng bằng tiếng Vân Kiều mà chẳng hiểu gì, chúng tôi cùng dân làng dâng hương, tự tay rót rượu vào chén rồi từng người trút rượu xuống lòng sông mời thần linh về chung vui.
Tôi ngồi cạnh già làng Pú Hường ngoài 70 tuổi, già cho biết nội dung bài cúng vừa đọc cảm ơn trời đất núi sông có lòng tốt phù hộ anh em thợ cầu, sau vài năm thi công đến nay đã có kết quả. Cảm ơn Chính phủ cho bà con Vân Kiều cây cầu đẹp như tranh, bà con hứa sẽ ra sức giữ gìn sử dụng, phát huy cây cầu hiệu quả nhất.
Tôi định hỏi mấy điều nữa thì bổng già Pú Hường đứng lên hô “trăm phần trăm”, lập tức các trai gái Vân Kiều ùa đến chạm cốc với đội ngũ xây dựng cầu. Pú Hường tuyên bố:
- Bà con yêu cầu cán bộ báo (nhà báo) cũng trăm phần trăm.
Chừng hơn 1 giờ “trăm phần trăm” mấy can rượu loại 20 lít trơ đáy, thịt lợn luộc thịt gà luộc cũng sạch banh, mọi người “trăm phần trăm xôi”. Lần đầu trong đời tôi “trăm phần trăm xôi” giữa lòng cầu Đakrông.
Sáng hôm sau chờ lúc mặt trời thu hết sương mù, tôi lại ra giữa cầu Đakrông và không khỏi sững sờ: Phía bờ Nam dòng Đakrông hình thế hai ngọn núi như miệng con Rồng (hàm Rồng), trong khi ngọn núi án ngữ phía Bắc giống đầu con Rồng, phải chăng từ cách phát âm của cư dân bản địa đã biến cụm từ “Đầu con rồng” (tiếng phổ thông) thành địa danh đặc biệt Đôcờrông-Đakrông?

Về ngữ âm, “Đôcờrông” và “Đakrông” quan hệ gần gũi huyết thống như anh em cùng mẹ khác cha. Từng có dịp đặt chân đến nhiều vùng miền đất nước, tôi chưa gặp địa danh nào thông dụng và được người đời ưu ái như danh xưng Đakrông.
Thời kéo “voi thép” vượt Trường Sơn tôi chưa biết Đakrông vừa là tên gọi của một vùng đất cổ, vừa là tên của một dòng sông khởi nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, cũng chưa biết Đakrông từ thời tiền sử là vùng đất cư trú của người Việt Thường (Kinh), về sau đồng bào các dân tộc PaCô, Vân Kiều… cũng chọn làm nơi an cư lạc nghiệp.
Hăm bảy năm sau kể từ bữa đi hái ớt chỉ thiên, tại lễ khởi công xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh xuyên Việt tổ chức tại huyện miền núi tỉnh Quảng Bình, tôi gặp Diềng, đồng đội tôi vẫn lái xe con đưa sếp từ Hà Nội vào dự lễ. Sau tiệc chiêu đãi Diềng ra xe lấy cuốn “Đường xuyên Trường Sơn” tặng tôi.
- Ngày đó tụi mình lái xe thâu đêm bò trên đường Trường Sơn bằng đèn rùa, nhìn ra chỉ màn đêm mịt mùng. Giờ mở cuốn này thấy nhiều địa danh trong đó lưu giữ nhiều kỷ niệm của chúng mình mà ngỡ là huyền thoại”. Mày tin hay không thì tùy, đến giờ tớ vẫn tin chiếc cặp tóc hình con bướm ấy đã có đôi và đang bay lượn giữa cao xanh.