Kỷ niệm 70 năm cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên - Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/3, trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc năm 2019, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Triển lãm Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và 20 năm Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định, lần đầu tiên có một triển lãm chuyên đề về ngôi trường này. Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cũng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng nước ta, và duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Ông Hồ Quang Lợi cũng chia sẻ rằng 20 năm qua, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã từng bước hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng vẻ vang được giao. Đó cũng là lý do, là niềm vui, là niềm tự hào mà bên cạnh những tư liệu, hình ảnh, hiện vật của trường dạy làm báo xưa, triển lãm còn có những hình ảnh, tư liệu rất mới mẻ, sống động về công việc bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các nhà báo, hội viên trong cả nước trong thời gian qua của Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí hôm nay.
Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết, trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được ra đời vào những ngày đầu tháng 4 năm 1949, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên ra đời trong khói súng và làm một dấu son trong trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại lễ khai mạc.

Theo thông tin được Bảo tàng Báo chí Việt Nam cung cấp, Ban Giám đốc trường Huỳnh Thúc Kháng lúc đó do Tổng bộ Việt Minh trực tiếp chỉ định. Giám đốc là Nhà báo Đỗ Đức Dục. Phó Giám đốc là Nhà báo Xuân Thủy. Ủy viên là các Nhà báo Như Phong, Đồ Phồn, Tú Mỡ.
Một đội ngũ giảng viên hùng hậu đã tham gia công tác đào tạo, bao gồm những nhà báo kiêm chính trị gia nổi tiếng như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Xuân Thủy, Hà Xuân Trường, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Như Phong, Từ Giấy, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Hải, Trần Đình Thọ, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao…
Trong vòng 3 tháng, tính từ ngày 4/4/1949 đến ngày 6/7/1949, trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo đặc biệt của mình, với 42 học viên mà hầu hết là những cán bộ, phóng viên báo chí đang công tác trong các cơ quan báo chí đến từ khắp mọi miền đất nước.
Rất quan tâm đến trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần liền gửi thư để động viên, dạy bảo, hướng dẫn một cách tỉ mỉ, chi tiết nghiệp vụ làm báo cách mạng… cho các học viên. Trong bức thư đề ngày 9/6/1949 của Người có đoạn viết: … “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả để chiến thắng”!

Các hiện vật được trưng bày tại triển lãm.
Tiếp thu lời dạy của Người, các học viên của trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sau ngày tốt nghiệp, được tung mình vào đời sống chiến đấu, lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên khắp mọi miền đất nước, góp phần làm rạng danh truyền thống báo chí cách mạng, tạo dựng sức mạnh của đội ngũ nhà báo - chiến sĩ. Nhiều người sau này đã trở thành những nhà báo, nhà hoạt động văn hóa văn nghệ nổi tiếng, có nhiều đóng góp được ghi nhận.
Tại triển lãm, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cùng các khách mời và công chúng tham dự đã tham quan những tư liệu, hiện vật quý giá, gắn liền với ngôi trường dạy làm báo mang tên nhà báo, nhà cách mạng nổi tiếng Huỳnh Thúc Kháng.