Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (3/3/1949 - 3/3/2019): Góp phần củng cố, xây đắp niềm tin trong xã hội

Trần Long – Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/3/1949 đã trở thành mốc son đánh dấu sự ra đời của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. 70 năm qua, với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thuyết phục, hiệu quả, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã từng bước trưởng thành và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô giao phó.

Trưởng thành trong gian khó
Tháng 3/1929, Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội và tháng 6/1930, Thành ủy Hà Nội chính thức ra đời. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Đội tuyên truyền xung phong nhằm tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng của Đảng trong các tầng lớp Nhân dân. Đây chính là tổ chức tiền thân của Ban Tuyên giáo Thành ủy sau này. Đến ngày 3/3/1949, Thành ủy ra Nghị quyết số 18/NQ/TU tách Ban Tuyên huấn ra khỏi Ban Đảng vụ. Từ đó, ngày 3/3/1949 đi vào lịch sử, đánh dấu sự ra đời của cơ quan Tuyên huấn, nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
 Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi giao ban báo chí chiều 26/2 – đây là một hoạt động thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hồng Thái
Dù trải qua các giai đoạn cách mạng, những năm tháng chiến tranh của đất nước và nhiều lần tách hợp, đổi tên nhưng các cán bộ tuyên giáo của Đảng bộ TP Hà Nội vẫn luôn phát huy phẩm chất cách mạng, trung thành với Đảng, tận tụy với Nhân dân. Đồng thời, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ để tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng đi theo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
Từ năm 2001 - 7/2008, đất nước bước vào vận hội và thách thức mới về mặt kinh tế - xã hội, trong đó công tác chính trị tư tưởng có vai trò quan trọng. Ban Tuyên giáo Thành ủy, đã tiếp tục quán triệt sâu sắc phương hướng “Giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Qua đó, góp phần tạo sự thống nhất cao trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân Thủ đô. Đó là cơ sở để các cấp, các ngành thực hiện những nhiệm vụ về mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên các lĩnh vực sao cho ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu do Đảng đề ra.
Đặc biệt, trong 10 năm gần đây, kể từ dấu mốc Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội Khóa XII (từ năm 2008 – 2018), Ban Tuyên giáo Thành ủy đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành ủy đổi mới việc tổ chức, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Làm tốt công tác tham mưu nhằm đẩy mạnh và đưa nội dung học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI, XII) trở thành công việc thường xuyên, nền nếp.
Ngoài ra, Ban Tuyên giáo các cấp của TP đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô...
Ban cũng kịp thời nắm bắt tình hình dư luận về các vấn đề liên quan đến các chủ trương, chính sách lớn cũng như các vấn đề đột xuất phát sinh trên địa bàn TP. Nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và Nhân dân; định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận; xử lý hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh. Duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng giao ban báo chí hàng tuần. Tiến hành điều tra xã hội học trên các lĩnh vực như văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới...
Chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng
Công tác tuyên giáo bất kỳ thời kỳ nào cũng luôn khó khăn và có đặc điểm riêng gắn với nhiệm vụ kinh tế xã hội thực tiễn. Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi chia sẻ: Khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước ta, ngành tuyên giáo và đội ngũ tuyên truyền viên đã vào cuộc kịp thời, sát cánh cùng các đơn vị, địa phương, lực lượng chức năng kịp thời, triển khai các biện pháp cần thiết.
Hà Nội đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục Nhân dân hiểu rõ tình hình, bình tĩnh, tin tưởng vào quan điểm, chủ trương và biện pháp giải quyết của Đảng và Nhà nước; chủ động đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, thông tin sai trái không để kẻ xấu kích động lôi kéo người dân vào các hành động cực đoan, quá khích. Nhờ vậy, đã góp phần để các tầng lớp Nhân dân thể hiện lòng yêu nước đúng cách, có nhiều hoạt động hướng về biển đảo, động viên, cổ vũ các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân đang kiên cường bám trụ, kiên quyết đấu tranh đòi Trung Quốc rút giàn khoan hạ đặt trái phép ra khỏi vùng biển nước ta.
Theo nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ, những người làm công tác tuyên giáo được gọi là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng. Ở thời bình, các thử thách với công tác tuyên giáo có thể ít đòi hỏi sự nguy hiểm, bom đạn.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay đó là xuất hiện nhiều giai tầng xã hội với nhiều loại lợi ích khác nhau; sự thiếu gương mẫu của không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền; sự bùng nổ công nghệ thông tin với mặt trái của internet, mạng xã hội… "Nếu biết bản lĩnh vững vàng trong mọi tình huống và biết lắng nghe, nắm bắt tâm tư, ý kiến của Nhân dân thì ngành tuyên giáo Thủ đô chắc chắn sẽ vượt qua thử thách" - ông Nguyễn Chí Mỳ nhận định.
Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi cho rằng, càng tự hào về truyền thống của ngành tuyên giáo Thủ đô bao nhiêu, chúng ta càng nhận thức rõ ràng nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề. Điều đó đòi hỏi những người làm tuyên giáo Thủ đô phải bám sát thực tiễn, không ngừng nỗ lực học hỏi để có tầm nhìn rộng, dự báo được tình hình, tham mưu kịp thời, chính xác cho cấp ủy. Tuyên giáo Thủ đô cần nỗ lực thực hiện phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thuyết phục, hiệu quả”. Trong đó, cần lấy thuyết phục làm trung tâm kiểm chứng hiệu quả tất cả mọi hoạt động của công tác tuyên giáo. Chỉ có sức thuyết phục thật sự mới củng cố và xây đắp được niềm tin của xã hội bền vững.

Vững vàng trong tâm thế mới

Bước vào thời kỳ hội nhập, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô Hà Nội đứng trước không ít việc khó, việc không có tiền lệ. Vì thế, vị trí, vai trò của công tác tuyên giáo càng hết sức quan trọng.
70 năm tuy tên gọi có nhiều lần thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, song vai trò, chức năng, nhiệm vụ bao trùm và xuyên suốt của công tác tuyên giáo qua các thời kỳ là tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô.
Tại lễ phát động thi đua năm 2019 trong toàn ngành Tuyên giáo Thủ đô mới đây, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một dịp có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Ban Tuyên giáo Thành ủy nói riêng và toàn ngành tuyên giáo TP nói chung.
Bước sang năm 2019, những người làm công tác tuyên giáo của Thủ đô xác định sẽ tiếp tục phấn đấu xứng đáng là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Nắm bắt những thời cơ, vận hội mới và dự đoán trước những thách thức đặt ra, ngành Tuyên giáo Thủ đô quyết tâm phát huy hơn nữa sự năng động, chủ động, sáng tạo để góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mà TP giao phó.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, toàn ngành tuyên giáo Thủ đô sẽ đẩy mạnh công tác giáo giục chính trị tư tưởng; giáo dục truyền thống cách mạng trong toàn Đảng bộ TP. Tiếp tục đổi mới việc tổ chức học tập, quán triệt việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng. Tuyên truyền thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tiếp tục đôn đốc, triển khai các nội dung thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng…

Trong 70 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội sẽ vinh dự tiếp tục được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần