Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Bác Hồ với những người làm báo

Nguyễn Sỹ Đại
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rất nghiêm khắc trong công việc, nhưng vô cùng khoan dung và hiền từ như một người cha, Bác Hồ đã để lại một tình cảm, hơn thế là một di sản đối với những người làm báo.

Biết lỗi là tốt

Sáng 26/5/2017, tôi đến thăm nhà nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân Trần Kiên mà tôi là người thuộc quyền trực tiếp khi ông phụ trách Nhân Dân Chủ nhật. Nhà báo Trần Kiên năm nay 91 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Ông là học viên Lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng trong kháng chiến chống thực dân Pháp; phóng viên thường trú báo Nhân Dân và Việt Nam Thông tấn xã tại Liên Xô từ năm 1958 - 1963. Trong khi duyệt bài hoặc sinh hoạt vui với anh em, ông thường kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm sâu sắc trong đời làm báo, mà hú vía nhất là chuyện cắt bài của Bác Hồ. Tôi muốn nghe lại chính xác là ông đã cắt cái gì.

Số là, 6 giờ 30 phút ngày 2/11/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đáp máy bay lên đường sang Mát-xcơ-va dự kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng Tháng Mười Nga và dự Hội nghị đại biểu của 81 Đảng Cộng sản và Công nhân thế giới họp ở Mát-xcơ-va. Đoàn có đồng chí Lê Duẩn cùng đi.

Bác Hồ tặng hoa cho các Nhà báo và hỏi phóng viên Xưởng phim Vô tuyến truyền hình

Phan Thế Hùng “Bao giờ dân ta được xem truyền hình”. Ảnh tư liệu

Tại Mát-xcơ-va, Người nghỉ tại khu nghỉ A-lếch-xây Tôn-xtôi (A-lếch-xây Tôn-xtôi là con trai của đại văn hào Lép Tôn-xtôi). Năm 1960, Liên Xô long trọng kỷ niệm 50 năm ngày mất của Lép Tôn-xtôi (1828 - 1910). Ngày 19/11/1960, Bác Hồ có bài viết “Tôi là học trò nhỏ của nhà văn Tôn-xtôi vĩ đại” trên báo Văn học Xô-viết. Sáng sớm, Trần Kiên đọc được tin này và vội đi mua tờ báo, rồi nhờ đồng chí phiên dịch người Nga phiên dịch hộ sang tiếng Pháp. Hồi đó, Trần Kiên vững tiếng Pháp nhưng tiếng Nga thì chỉ lõm bõm. Say mê vì sự kiện hay, cả sáng hôm đó, ông dịch ngay ra tiếng Việt, rồi đưa nhân viên kỹ thuật đánh tê-lếch về báo Nhân Dân. Báo Nhân Dân số ra ngày 21/11/1960 đăng ngay bài này với tiêu đề “Hồ Chủ tịch viết về đại văn hào L.N. Tôn-xtôi”.

Mấy ngày sau, Bác đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô. Trần Kiên vội vã vác máy ảnh chạy sang. Như mọi người, ông được nhận quà của Bác là 5 quả nhãn lồng Hưng Yên. Nhưng vui chưa kịp qua thì lo đã đến ngay. Bác hỏi:

- Chú là phóng viên thường trú phải không?

- Dạ thưa Bác, vâng ạ!

- Bác vừa nhận được báo Nhân Dân. Sao chú cắt bài của Bác?

Trần Kiên chết lặng, không hiểu điều gì đã xảy ra. Sau một hồi bình tĩnh, thành thực thưa:

- Thưa Bác, cháu đã điện về nhà toàn văn bài Bác viết ạ.

- Thế sao bài của Bác thiếu một câu?

Trần Kiên tự tin đáp liều:

- Thưa Bác, cháu gửi về toàn văn bài Bác viết. Có thể là ở nhà cắt ạ!

Bác lập tức nghiêm mặt:

- Ở nhà cũng không được cắt bài của Bác viết và khi bài đã đăng báo Liên Xô!

Trời tháng 11 ở Nga rất lạnh mà Trần Kiên toát mồ hôi. Đồng chí Vũ Kỳ đứng sau lưng Bác kín đáo giơ tay ra hiệu cho Trần Kiên im lặng. Ông chợt hiểu mình đã nói quá nhiều, kể cả điều không chắc và dường như đã vô lễ với Bác. Ông vội thưa:

- Thưa Bác, có thể cháu đã sai sót trong công việc. Cháu xin nhận lỗi. Cháu xin phép Bác kiểm tra lại và báo cáo với Bác đầy đủ về việc này.

Bác dịu dàng trở lại:

- Được, làm việc gì cũng chu đáo, cẩn thận!

Khi về kiểm tra lại, Trần Kiên kể tiếp, lần này thì không phải thót tim mà rụng rời: Đúng là bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Pháp đã bị bỏ sót một câu, nên bản tiếng Việt cũng sót một câu. Bài của Bác viết theo lối Thư gửi Ban Biên tập. Ở đoạn cuối, sau câu: “Các đồng chí nghĩ xem tôi vui mừng xiết bao, khi mấy ngày sau, mở xem báo buổi sáng, tôi thấy có bài đăng tác phẩm của tôi, tác phẩm yêu quý của tôi” là câu bị bỏ sót: “Các đồng chí sẵn lòng nhận bài tôi viết, trước hết là do tình bạn đối với tôi vì tất cả các đồng chí đều quen biết tôi, và có lẽ do sự tò mò nào đó vì tôi là người công nhân Việt Nam đầu tiên thử viết phóng sự bằng tiếng Pháp”. Câu này khá quan trọng vì nó thể hiện quan hệ của Bác đối với báo Nhân đạo Pháp; thứ hai khẳng định Bác là người công nhân Việt Nam đầu tiên viết phóng sự bằng tiếng Pháp (lúc này Bác đang làm thợ sửa ảnh ở Pa-ri). Đoạn trên Bác viết: “Cách viết của Tôn-xtôi rất giản dị, rõ ràng và dễ hiểu làm tôi rất thích. Tuổi trẻ thường bồng bột, tôi nhảy vùng dậy khỏi giường mặc dù mùa Đông rất lạnh, nhất là trong căn phòng bé nhỏ của tôi không có lò sưởi. Tôi nói to: “Viết một cuốn truyện ngắn chẳng có gì là khó. Mình cũng có thể viết được”. Ở Việt Nam chúng tôi có câu tục ngữ “Điếc không sợ súng”. Đúng là trường hợp của tôi. Sáng dậy, tôi bắt đầu viết. Mỗi ngày tôi phải viết từ năm giờ đến sáu giờ rưỡi sáng, là vì bảy giờ tôi đã phải đi đến xưởng”. Đoạn sau câu sót là: “Niềm vui sướng của tôi càng lớn hơn nữa, khi tòa soạn báo Nhân đạo trả cho tôi số tiền nhuận bút là 50 phơ-răng. Với số tiền đó tôi có thể sống 10 ngày không cần làm việc, tôi có thể dùng thời gian ấy để đọc sách. Hạnh phúc biết ngần nào”!

Trần Kiên viết bản kiểm điểm gửi lên Bác. Bác xem và bảo với Vũ Kỳ: “Biết lỗi là tốt”. Từ câu chuyện này, Trần Kiên rút ra mấy điểm: Một là mình hăng, nên có sự nhạy bén, kịp thời. Hai nữa là dốt, quá dốt, sao lúc ấy không hỏi ông Vũ Kỳ, nếu Bác viết tiếng Việt thì xin bản tiếng Việt có phải ngon lành không? Ba là liều, liều dịch bài của Bác qua hai ba lần ngôn ngữ mà không sợ tam sao thất bản; liều nữa là chưa kiểm tra mà dám bảo ở nhà cắt. Bốn là may, may do yêu Bác, thuộc văn phong của Bác nên dịch nhanh, dịch được khá tốt nên Bác không nói gì về văn phong. Mà cũng phải khen cả mấy người dịch: Bản thảo của Bác đánh máy trên hai trang giấy bằng tiếng Pháp, được dịch qua tiếng Nga, từ tiếng Nga lại được dịch sang tiếng Pháp, rồi lại từ tiếng Pháp dịch sang tiếng Việt mà vẫn khá chuẩn, vẫn được Bác đồng ý, sau này được chọn in vào Hồ Chí Minh toàn tập. Bản thảo gốc của Bác hiện được lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bài viết này trong Hồ Chí Minh toàn tập do NXB Chính trị quốc gia xuất bản năm 2010 nằm ở tập 10, trang 228, 229.

Các bản lưu hành hiện nay vẫn thiếu câu bị bỏ sót; cần được bổ sung, vì sinh thời, Bác đã phê bình gay gắt sự bỏ sót ấy!

Chú Quang này, Hồ Chủ tịch không đi bộ thì toàn đi xe à?

Nhà báo Phan Quang năm nay (2017) cũng vừa tròn tuổi 90, là một nhà báo “đi nhiều nhất, viết nhiều nhất” như thủ trưởng của ông – nhà báo Hoàng Tùng nói. Và có lẽ cũng là người nhiều chức vụ nhất: Trưởng ban ở báo Nhân Dân, Vụ trưởng Báo chí, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội… Ông còn là nhà văn của nhiều truyện ký, tùy bút, dịch giả Nghìn lẻ một đêm. Nhìn lại đời mình, ông tâm sự: Viết báo là nghề yêu thích nhất, quãng đời ở báo Nhân Dân là có ý nghĩa nhất đối với ông.

Từ miền Nam, ông được điều ra báo Nhân Dân. Ông nhìn thấy trời thu Hà Nội lần đầu vào ngày 10/10/1954 và phải bỏ lại cái bút danh Hoàng Tùng ở báo Cứu quốc Liên Khu IV. Một lần đi công tác Sơn Tây với Tổng Biên tập Hoàng Tùng, ông Hoàng Tùng nói: “Báo ta có hai Hoàng Tùng thì không tiện, một là cậu bỏ, hai là tớ bỏ”…

Năm 1958, miền Bắc hạn to. Ngày 5/1/1958, Bác Hồ viết Lời kêu gọi nông dân và cán bộ quyết tâm chống hạn, đẩy mạnh sản xuất vụ Đông - Xuân. Và trong sáng hôm đó, trong cái rét cắt da cắt thịt, Bác về thăm tỉnh Hưng Yên, một điển hình chống hạn. Ngày 14/1, Bác về động viên Bình Lục chống hạn. Ngày 19/1, Bác thị sát công trình thủy lợi Máng số 7 ở Hà Đông, cống Hàm Rồng ở Chương Mỹ. Ngày 26/1, Bác về chống hạn với Uy Nỗ Đông Anh và lên Vĩnh Phúc để kiểm tra việc đào giếng nước ăn cho Nhân dân… Bác Hồ của chúng ta với Nhân dân là như thế…

Trở lại ngày 5/1. Nhà báo Phan Quang được cử theo Bác về Hưng Yên viết bài. Buổi sáng, Bác Hồ dự Hội nghị chống hạn của tỉnh với sự tham gia của hơn 1.600 cán bộ các cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể Nhân dân của 157 xã, 9 huyện và thị xã Hưng Yên. Người mời một cụ nông dân cao tuổi, một chiến sĩ thi đua nông nghiệp, một đại biểu bộ đội, một cha xứ và một nhà sư lên tham gia Chủ tịch đoàn. Người trao cờ luân lưu thêu 4 chữ “Chống hạn khá nhất” cho tỉnh Hưng Yên và 5 Huân chương Lao động cùng một số Huy hiệu của Người để tặng cho những đơn vị và cá nhân có thành tích trong phong trào chống hạn.

14 giờ chiều cùng ngày, Người về thăm đồng bào Tiên Lữ đang vét ngòi Triều Dương và dân công đào sông từ Phố Giác đến chợ Thi. Người nói: "Làm thủy lợi khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời". Con sông này ngày nay được gọi là Sông Bác Hồ. Ở Tiên Lữ, Bác Hồ bước rất nhanh giữa cánh đồng khô, đến mỗi nơi có đồng bào làm, Bác dừng lại, thăm hỏi động viên. Bà con hoan hô Bác. Bác xua tay: “Đừng hoan hô Hồ Chủ tịch, hãy hoan hô nước khi nào nước về”. Hễ gặp các vị cao niên là Bác tiến đến thăm hỏi. Có một cụ tên là Đoàn Đình Kiêu, năm ấy 82 tuổi, người thôn Hoàng Xá, xã Trung Dũng cũng tham gia làm thủy lợi. Bác nắm chặt tay cụ, nói: “Tôi cảm ơn cụ đã làm gương cho con cháu”. Gặp Chủ tịch huyện, Bác bảo đưa tay để Bác xem. Bác bảo: “Tay chú sạch quá. Cán bộ cũng phải cùng lao động với bà con, để cho bà con thấy mình là người của Nhân dân”…

Nhà báo Phan Quang kể: “Do mỗi xã phụ trách một khúc sông, cho nên bà con tản mát. Bác Hồ đi bộ đến mấy cây số liền. Tôi tất tưởi theo, lắng nghe Bác nói chuyện với ai xong, lại tới hỏi rõ họ tên, người thôn nào, xã nào..., để khi viết bài khỏi lẫn lộn, rồi vội vã chạy cho kịp đoàn. Hồi ấy, tôi đang sức trai mà mệt phờ, nhưng vui vì nghe và ghi được nhiều điều, thú vị nhất là chuyện Bác Hồ đi bộ qua cánh đồng gồ ghề nứt nẻ… Tối hôm ấy về Hà Nội, tôi viết bài tường thuật dài đăng báo Nhân dân. Hôm sau, khoảng 9 giờ, có điện thoại từ Văn phòng Chủ tịch nước mời tôi lên ngay. Bác đang làm việc, ngước mắt hỏi: “Chú Quang à? Bác đã đọc bài của chú trên báo. Viết thế là được. Nhưng Bác hỏi chú, chú Quang này, trong bài mấy lần chú nhắc đi nhắc lại chuyện Hồ Chủ tịch đi bộ giữa cánh đồng. Vậy ra từ trước tới nay, Bác Hồ toàn đi xe, chưa từng đi bộ bao giờ à? Bác Hồ đi bộ, thì có cái gì mà viết lắm thế”?

Nhà báo Phan Quang lúng búng nhận lỗi; có buồn, sợ; nhưng hơn thế là niềm vui sướng được thêm một lần gặp riêng Bác; được học Bác bài học về nghề thật sâu sắc!

(Còn nữa)