Kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An (1030 - 2020): Xứng danh vùng đất địa linh nhân kiệt

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Danh xưng “Nghệ An” xuất hiện lần đầu vào năm 1030 triều Lý. Kết luận khảo cổ học di chỉ Quỳnh Văn huyện Quỳnh Lưu thuộc thời kỳ đồ đá, di chỉ Làng Vạc Thị, xã Thái Hòa thuộc nền văn hóa Đông Sơn.

Nghĩa là trên 6.000 năm trước người Nghệ cổ đã sống tại vùng duyên hải Quỳnh Văn và hơn 2.000 năm trước đã quần cư tại Làng Vạc vùng núi phía Tây.
Vùng đất huyền thoại

Từ bình minh dựng nước, vùng đất này đã góp sức người sức của, trong khi danh xưng Nghệ An mấy ngàn năm sau mới xuất hiện. Theo Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố - phụng soạn thời Lê Thánh Tông, bản dịch tiếng Việt đầy đủ của GS Ngô Đức Thọ: “Đất Hoan Châu có Hùng Bảo Thứu Lĩnh 199 ngọn, thời Lê Thánh Tông gọi là Ngàn Hống. Vùng này giáp biển Cửa Hội, gồm các xã Nội Thiên Lộc, Tả Thiên Lộc, Tỉnh Thạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An. Cụ Kinh Dương Vương đời Vua Hùng thứ nhất từng chọn vùng Ngàn Hống đóng đô. Về sau cụ lại chọn được vùng Ngũ Lĩnh - Phong Châu đắc địa bèn dời đô ra đó, khai sáng triều đại Hùng Vương (2879 TCN - 258 TCN) truyền được 18 đời vua. Vùng Ngàn Hống (thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) trở thành cựu đô đầu tiên của nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên trong sử Việt”.
 Núi Hồng sông Lam nhìn từ Đền Quang Trung - núi Quyết.
Nhiều lần Triệu Đà mang quân xâm chiếm Âu Lạc đều bị Thục Phán đánh bại. Sử cũ không nói Triệu Đà dùng xảo kế cài cắm để Trọng Thủy lấy Mỵ Châu, tướng Cao Lỗ (Cao Thông) nhận biết âm mưu của Đà can gián An Dương Vương: “Cao Lỗ buồn vì vua không nghe lời can gián, ông tìm vào làng Nho Lâm ẩn dật (nay thuộc xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu), khai mở nghề rèn, về sau dân làng Nho Lâm truy tôn ông làm Tổ nghề rèn” - theo “Gia tộc Cao đại tôn ở Nghệ An”.

Cao Lỗ sáng chế nỏ Liên Châu là vũ khí thần dũng bất bại, về sau sử sách thần thoại hóa gọi là "Linh Quang Thần Cơ". Sách Thái bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử nhà Tống, được sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục trích dẫn: “Triệu Đà đem quân sang đánh, An Dương Vương có Cao Thông giúp, chế nỏ bắn một phát giết chết hàng vạn quân (?) bắn ba phát giết đến ba vạn (?). Đà liền lui về đóng ở Vũ Ninh, rồi cho con là Trọng Thủy sang làm tin, xin hòa hảo. Về sau Nỏ Thần bị Trọng Thủy đánh tráo, Triệu Đà thôn tính Âu Lạc, cha con Thục Vương bỏ thành Cổ Loa chạy vào đất Nghệ, đến chân núi Mộ Dạ (nay thuộc xã Diễn An huyện Diễn Châu) Thục Vương chém chết con gái rồi tuẫn tiết tại biển Cửa Hiền (tên chữ La Nham).

Gạt vỏ huyền thoại ta gặp cốt lõi lịch sử đó là danh tướng Cao Lỗ - người có công lớn cùng Thục Phán xây thành Cổ Loa, củng cố phòng thủ đất nước. Đó là chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy bi thương, tác phẩm viết về chống gián điệp sớm nhất trong văn học nước nhà. Đó là Đền Cuông bên núi Mộ Dạ - hiện thực hóa lòng thành của người Nghệ với cha con Thục Vương. Đó là những gia nhân từ Cổ Loa chuyên trồng hoa phục vụ triều đình, chạy theo Thục Vương vào đến Mộ Dạ chứng kiến thảm kịch, họ tiếp tục vượt sông Cấm vào đất Nghi Lộc. Hiện, cư dân các xã huyện Nghi Lộc ngoại thành Vinh vẫn phát triển nghề trồng hoa. Số khác chạy ra bãi ngang phía Bắc tiếp tục nghề trồng hoa dần hình thành làng Hoa Lũy, về sau đổi thành làng Kim Luỹ, nay là xã Diễn Kim. Trong số người trồng hoa tại làng Hoa Lũy về sau một số bỏ nghề chuyển sang làm vàng mã, dần hình thành làng Vàng, nay thuộc xã Diễn Hồng.

Hào khí bất khuất

Đền Cuông rêu phong, một trong hai di tích văn hóa thời Hùng Vương còn lại trên xứ Nghệ. “Giận thì giận thương cứ thương”, người Nghệ công tội rạch ròi, dâng hương viếng Thục Vương họ vẫn không quên thảm kịch dân tộc đắm chìm trong ngàn năm Bắc thuộc. Khi làm Hiệp trấn Nghệ An, cụ Bùi Huy Bích viếng Đền Cuông để lại mấy câu chứa chan cảm thức lịch sử:

La Nham hải bạn thạch thôi ngôi/Thần nỏ hà niên khởi họa tai?

Đạo xuất Diễn Châu vô cẩm nhục/Miếu tồn Mộ Dạ hữu kim bài.

La Nham cửa biển đá lô nhô

Thần nỏ năm nào đẩy hoạ to

Đường tới Diễn Châu không nệm gấm

Lưng đồi Mộ Dạ dựng bia thờ.

(Đặng Quang Liễn, Nguyễn Nghĩa Nguyên phỏng dịch)

Mã Viện tướng Đông Hán, 60 tuổi vẫn mang quân sang dìm khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong biển máu. Tương truyền Mã cho chôn cột đồng khắc dòng chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (cột đồng gãy, Giao Chỉ diệt vong). Nước ta có hai ngọn núi mang tên Đồng Trụ Sơn, một ở tỉnh Phú Yên gọi là núi Thạch Bi, một ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An gọi là núi Lam Thành (từ năm 1962 là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia). Nếu Mã đánh chiếm đất vô chủ rồi cắm cột làm mốc thì là chuyện gặp nhiều trong sử sách. Đằng này xứ Nghệ nằm sâu trong lãnh thổ quốc gia Việt Thường với mấy ngàn năm văn hiến không khuất phục, việc làm của Mã quả là của tướng cướp.

Theo “Hà Tĩnh đất văn vật Hồng Lam” của Thái Kim Đỉnh, trong dân gian còn lưu chuyện: Cột đồng Mã Viện tại núi Lam Thành từ đó núi có tên là Đồng Trụ Sơn. Làng Trung Ca nay là thôn Trung Thịnh, xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, có vợ chồng nhà nọ theo nghề hát vừa làm nghề hái thuốc nam. Ngày ngày lên các núi tìm cây thuốc, tại núi Lam Thành vợ chồng thấy cột đồng bèn về sắm cưa sắt, hôm sau trở lại cưa mấy ngày thì đứt, khiêng cột đồng quẳng xuống sông Lam. Cảm phục việc làm của vợ chồng nọ, dân làng Trung Ca lập đền thờ truy tôn người chồng làm Thành hoàng.

Truyền tích cột đồng trụ như lời nguyền giữ nước, bao lần giặc phương Bắc tràn ngập nước Nam đến khu vực núi Đồng Trụ bờ Bắc sông Lam đều bị sững lại. Tháng 4/1285, Toa Đô dẫn đại binh Nguyên Mông truy đuổi, đến núi Đồng Trụ thì bị mất dấu vua quan nhà Trần. Toa Đô nghênh ngang trên đất Nghệ hai năm, y cho dò tìm không thấy cột đồng, đến tháng 4/1287 gió phơn Tât Nam thiêu đốt, quân Toa Đô cạn lương đói khát chuẩn bị rút để tránh nóng, quân nhà Trần thình lình phản công đánh bại. Trương Phụ tướng giặc Minh mấy lần kéo quân vào đất Nghệ, đóng bản doanh quanh núi Lam Thành, truy diệt tướng lĩnh nhà Hồ và Hậu Trần, Phụ cũng cho dò tìm cột đồng mà không thấy.

Lam Sơn dấy nghĩa tại Thanh Hóa, nghĩa quân “mười năm nếm mật nằm gai” thì có chín năm trên đất Nghệ dụng binh, làm chủ phòng tuyến La Giang bờ Nam sông Lam do Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn - An phủ sứ Nghệ An thời Trần chỉ huy xây đắp.

Về nước Mã chết, Hán Vũ Đế buộc gia đình chôn Mã ở Tây Kinh (Thiểm Tây - Trung Quốc) không cho đưa về quê, lại còn bắt dân Lạc Việt lập thờ Mã nhưng bất thành. Đến khi cụ “Thánh thơ” Nguyễn Du người Nghệ đi sứ ngang qua mộ Mã bèn đề thơ:

Cột đồng chỉ dối được đàn bà con gái Việt

Xe châu luống để lụy vợ con nhà

Tên tuổi ông đáng lẽ ghi nơi bức họa Vân Đài

Sao lại đòi nước Nam hàng năm phải cúng tế?

(Trích bài “Miếu thờ Mã Viện ở

Giáp Thành”)

Cũng từ núi Đồng Trụ này, Hồ Thơm - Nguyễn Huệ tuyển đủ 10 vạn binh kéo ra Thăng Long quét sạch xâm lược Thanh. Tích truyền cột đồng trụ được Quang Trung hiện thực hóa dời ra đất Thăng Long, đắp thành Gò Đống Đa - di tích lịch sử của Nam quốc sơn hà.

Tối 30/11, Lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An (1030 - 2020) và đón Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt đình Hoành Sơn được tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Điểm nhấn của buổi lễ là chương trình sử thi nghệ thuật gồm 5 trường đoạn: I - Lịch sử một vùng đất; II - Hồng Lam nuôi lớn những anh tài; III - Xô Viết Nghệ Tĩnh; IV - Nghệ An thời hoa lửa; V - Khát vọng những mùa hoa; được đan xen giữa các hoạt cảnh và ca khúc nổi tiếng xứ Nghệ.


Sáng 30/11, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An phối hợp với trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Nghệ An - 990 năm hình thành và phát triển". Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, Hội thảo nhằm tái hiện diện mạo lịch sử; khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của vùng đất và con người Nghệ An trong cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước của dân tộc.