Kỷ niệm ngày thành lập Bảo hiểm xã hội Hà Nội 15/6: 23 năm thấm đượm tình người

Mai Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, điều mà Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội luôn gìn giữ và tâm huyết, điều làm nên sức mạnh, cũng là chất keo gắn kết những con người nơi đây chính là giá trị nhân văn, nhân đạo, thấm đượm tình người. Để rồi sau 23 năm, những giá trị ấy đã làm nên một bản sắc mang tên BHXH.

 Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Ngày đầu gian khó
Đối với ngành BHXH, giá trị nhân văn, nhân đạo là một tài sản vô hình, nhưng lại vô cùng quý giá của con người. Thấu hiểu được điều đó, ngay từ khi thành lập năm 1995, BHXH TP Hà Nội đã rất tận tâm với việc đem lại hạnh phúc, an sinh cho mọi người, mọi nhà. Các thế hệ của BHXH TP lần lượt tiếp nối, trân trọng, gìn giữ và cùng nhau vun đắp cho giá trị này ngày một thêm đậm đà, đi vào lòng dân hơn. Những nỗ lực không ngừng của các thế hệ công chức, viên chức được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý, trong đó BHXH TP Hà Nội đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2015.

Là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước, Thủ đô Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên được chỉ định thí điểm BHXH cho người lao động ngoài quốc doanh – bước khởi đầu quan trọng cho sự nghiệp đổi mới toàn diện về BHXH.

Ngày 09/11/1990, UBND TP Hà Nội ký Quyết định số 79-QĐ/UB về việc thành lập Công ty BHXH đối với lao động ngoài quốc doanh (sau này là BHXH TP Hà Nội). Ông Chu Văn Tùy – nguyên Giám đốc BHXH TP Hà Nội bồi hồi nhớ lại: Tôi là người được Thành ủy và UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện thí điểm BHXH đối với người lao động ngoài quốc doanh trên địa bàn Hà Nội. Trong 3 năm (01/1990 – 10/1992) vừa thực hiện thí điểm BHXH đối với người lao động ngoài quốc doanh, vừa triển khai nghiên cứu thành công đề tài khoa học “Đổi mới BHXH trong tình hình mới”. Kết quả đề tài đã được Hội đồng khoa học TP Hà Nội nghiệm thu và đánh giá cao, được Bộ LĐTB&XH chấp nhận cho TP ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài trên địa bàn Hà Nội. Ngày 31/10/1992, UBND TP ra quyết định thành lập BHXH TP Hà Nội trên cơ sở Công ty BHXH đối với lao động ngoài quốc doanh tiếp nhận thêm phần sự nghiệp BHXH từ Sở LĐTB&XH chuyển sang. Đây là bước đột phá về mặt tổ chức, BHXH Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất có tổ chức BHXH thực hiện chung cho cả hai khu vực trong và ngoài quốc doanh.

Nhắc đến câu chuyện này, ông trầm tư một lúc rồi nói: “Sau khi thành lập BHXH Việt Nam ngày 16/02/1995, BHXH TP chính thức trực thuộc BHXH Việt Nam theo Quyết định số 15/QĐ-BHXH ngày 15/6/1995 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Chặng đường 23 năm qua là thời gian gắn bó, là chặng đường của mồ hôi, công sức mà Ban lãnh đạo và biết bao anh em trong cơ quan đã dày công vun đắp từ những ngày đầu”.

Mở rộng đối tượng tham gia

Xác định công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT là 2 nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo duy trì, tăng trưởng quỹ BHXH, BHYT và chi trả các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động trên địa bàn. Hằng năm, TP luôn hoàn thành chỉ tiêu thu BHXH, BHYT, BHTN do Chính phủ, BHXH Việt Nam giao, đảm bảo năm sau cao hơn năm trước với tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN trong 5 năm qua đạt 108.508,1 tỷ đồng, năm 2017 tăng 93.175,1 tỷ đồng (607,7%) so năm 2012.

Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, được chú trọng nhằm duy trì, ổn định quỹ BHXH, BHYT. Hiện nay, đã có 64.709 đơn vị, tổ chức, DN tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Bên cạnh đó, một số nhóm đối tượng duy trì tốc độ tăng nhanh qua các năm như đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, đối tượng cận nghèo; nhất là đối tượng học sinh, sinh viên (năm 2012 là 81,3 %) đến nay là 1.529.425 người (đạt trên 90,8%), tăng 293.773 người so với năm 2012. Ngoài ra, hình thức tham gia BHXH tự nguyện ngày càng linh hoạt và thuận lợi hơn nên tỷ lệ tham gia tăng dần qua các năm từ 12.814 người (năm 2012) đến nay là 23.571 người, tăng 10.757 người (chiếm 83,9%). Số lao động làm việc tại các đơn vị, cơ quan Nhà nước tham gia BHXH, BHYT, BHTN cơ bản đạt 100%.

Để tạo thuận lợi cho người lao động, Nhân dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, nhất là nhằm tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT, TP đã chủ động đào tạo, mở rộng mạng lưới đại lý thu. Đến nay, đã có 1.404 điểm thu của 643 đại lý với 1.819 nhân viên đại lý thu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn những khó khăn nhất định. Đến nay, số DN tham gia BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn thấp, chỉ đạt trên 40%. Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH Hà Nội cho rằng, nhận thức của nhiều DN về trách nhiệm đóng BHXH, BHYT cho người lao động còn hạn chế nên không tham gia BHXH, BHYT, BHTN phần nào ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, số người tham gia BHXH tự nguyện qua các năm đều tăng, nhưng mức đóng BHXH tự nguyện hiện nay vẫn còn cao so với thu nhập của một bộ phận lao động ở khu vực ngoại thành, nông thôn nên chưa thu hút được đông đảo đối tượng tham gia, vì vậy số người tham gia còn thấp so với thực tế. Đề cập đến tình hình nợ BHXH, BHYT, ông Hòa cho biết thêm, tình trạng nợ BHXH, BHYT khó đòi, kéo dài ở một số loại hình DN chiếm tỷ trọng cao, do vậy, tổng số tiền nợ của Hà Nội hiện vẫn cao hơn mức trung bình của cả nước.

Tuy nhiên, nhìn vào những gì mà BHXH Hà Nội đã đạt được, phải khẳng định sự lớn mạnh không ngừng của ngành bảo hiểm, tạo niềm tin của người dân vào chính sách BHXH. Đó là sự sẻ chia, giảm bớt gánh nặng khi không may bị ốm đau, bệnh tật; được quan tâm, chăm sóc sức khỏe và trợ cấp khi về già sau khi đã cống hiến gần như một đời người cho đất nước. Đây là tinh thần mà người BHXH hướng tới: đoàn kết, sẻ chia, mình vì mọi người, lấy công việc chung làm trọng,…

Để tạo thuận lợi cho người dân, BHXH Hà Nội tập trung cách thủ tục hành chính trong giao dịch hồ sơ điện tử và thực hiện giao – nhận, chuyển – phát hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, rút ngắn thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng được chú trọng cả về nội dung lẫn hình thức. Điều này giúp các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Sắt son một tấm lòng

Ở BHXH TP Hà Nội, mỗi cá nhân, mỗi tập thể luôn được tôn trọng và tạo điều kiện để làm việc, cống hiến hết mình cho đơn vị. Nơi đây, không chỉ là cầu nối giữa những đồng nghiệp trong mọi hoạt động của đoàn thể mà còn là sợi dây gắn kết giữa những hoàn cảnh không may mắn trong cuộc sống. Thấm nhuần đạo lý “lá lành đùm lá rách”, Công đoàn và Đoàn Thanh niên BHXH Hà Nội luôn đồng hành và gắn kết với các chương trình từ thiện, hướng tới cộng đồng xã hội qua những hành động thiết thực như hiến máu, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Với tầm nhìn cùng tâm huyết luôn đặt tình người lên trên, 23 năm đi qua là 23 năm dày công hình thành và không ngừng phát triển, chính sách BHXH, BHYT luôn làm nên những giá trị không thể nào đánh đổi. Tập thể ấy đã, đang và sẽ mãi đi theo năm tháng, đồng hành, chia ngọt sẻ bùi cùng người lao động và người dân Thủ đô trong mọi niềm vui, nỗi buồn.