Ký số từ xa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp thời dịch Covid-19

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa, người sử không cần USB Token, máy tính, vẫn có thể ký số với tốc độ lên đến hàng nghìn TPS/s. Đặc biệt, tích hợp nhiều phần mềm như hóa đơn điện tử, kê khai thuế, hải quan… đang mang lại nhiều tiện ích cho DN và người dùng, nhất là trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Là DN có nhiều sản phẩm công nghệ đã được áp dụng vào thực tiễn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Tin học EFY Việt Nam Vũ Hưng chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh Thông tư 16/2019/TT-BTTTT của Bộ TT&TT ban hành ngày 5/12/2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2020.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tin học EFY Việt Nam Vũ Hưng trao đổi với nhân viên triển khai công tác ký số từ xa với nhân viên. Ảnh: Hoàng Anh
Tiết kiệm chi phí
Theo ông Vũ Hưng, hiện Thông tư 06 chỉ quy định các yêu cầu kỹ thuật ứng với các giải pháp chữ ký số trên thiết bị HSM, USB Token.... và chưa có các yêu cầu kỹ thuật dành cho các giải pháp chữ ký số qua thiết bị di động và ký số từ xa. Do đó, đối với chữ ký số sử dụng USB token còn có một số nhược điểm đối với trải nghiệm người dùng như: Bất tiện khi phải mang theo USB Token mọi lúc mọi nơi nếu cần phải ký số; Cần phải có thêm thiết bị Laptop, PC để thực hiện ký số qua USB Token; Chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nếu nhiều người, nhiều điểm giao dịch cùng sử dụng một thiết bị Token.
Vì vậy, ông Vũ Hưng cho rằng, Thông tư số 16 quy định Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa ra đời kịp thời, đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội, phù hợp với bối cảnh hội nhập. Với chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa, người sử không cần USB Token, máy tính, vẫn có thể ký số với tốc độ lên đến hàng nghìn TPS/s.
Với mô hình bảo mật 2 lớp (đăng nhập và bảo mật qua OTP hoặc sinh trắc học), người dùng hoàn toàn yên tâm thao tác trên Smartphone đơn giản và vô cùng dễ dàng. Tích hợp nhiều phần mềm như hóa đơn điện tử, kê khai thuế, hải quan… Điện tử hóa ký và lưu trữ mọi tài liệu như hợp đồng, chứng từ, báo cáo kinh tế, tài chính giúp tổ chức, DN tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí, đặc biệt tiện lợi khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Công bằng và nhiều tiện ích
Đánh giá về ưu điểm của Thông tư, theo ông Vũ Hưng, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2020 sẽ tạo sân chơi, môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh giữa các DN CNTT. Đây được xem là cơ hội, cũng như thách thức cho các DN cải tiến công nghệ, tối ưu sản phẩm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất. Vị này dẫn dụ, bản thân EFY-CA cũng đã nghiên cứu và phát triển thành công giải pháp ký số từ xa Remote Signing, chỉ chờ điều kiện pháp lý có hiệu lực là triển khai ngay.
Với chữ ký số Remote Signing của EFY, bên cạnh việc ký trên các ứng dụng qua máy tính như USB Token thì người dùng có thể ký ngay trên điện thoại của mình thông qua App ký điện tử do EFY phát triển. Đặc biệt, EFY Việt Nam tích hợp luôn chữ ký số Remote Signing như là một giá trị gia tăng trên các sản phẩm dịch vụ đang cung cấp như bảo hiểm xã hội điện tử, hóa đơn điện tử... giúp DN giảm bớt chi phí và thuận lợi hơn khi sử dụng.
Ông Vũ Hưng nhận định, Thông Tư ra đời các DN sử dụng chữ ký số hưởng lợi rất nhiều. Thứ nhất, tiết kiệm chi phí bởi với chữ ký số từ xa không cần USB token. Thứ hai, vô cùng thuận tiện trong việc ký số bất cứ nơi đâu, mọi lúc mọi nơi. Thứ ba, ký số từ xa bảo mật đa nhân tố (qua OTP, sinh trắc học) an toàn trong sử dụng. Thứ tư, đáp ứng được nhu cầu nhiều người, nhiều điểm giao dịch cùng sử dụng một chữ ký số.
“Ứng với mỗi giải pháp sẽ có ưu, nhược điểm khác nhau. Việc chữ ký số không sử dụng Token ra đời sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sử dụng chữ ký số” - vị này nói. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ phải tăng cường hơn trong cơ chế bảo mật và lưu trữ chứng thư số của người dùng. Bên cạnh đó, việc sử dụng CKS USB Token sẽ vẫn còn duy trì trong tương lai vì thói quen và ít nhiều nó vẫn có tính bảo mật của riêng khi gắn với duy nhất một thiết bị phần cứng là chiếc USB Token.
Cuộc CMCN 4.0 có thể được mô tả như là sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực và đời sống xã hội với những cải tiến hướng đến tự động hóa, AI, Internet vạn vật, điện toán đám mây,… là xu hướng hiện nay. “Liên tưởng với ứng dụng CKS, việc chuyển đổi từ CKS USB Token sang ký số từ xa và ký số qua thiết bị di động đã cải tiến, từ có cầm nắm thiết bị sang tự động tích hợp qua Internet có sử dụng lưu trữ điện toán đám mây đã giúp cải tiến nhiều công đoạn và thời gian sử dụng” - ông Vũ Hưng nói.
Chữ ký số dựa trên đám mây (cloud-based digital signature), hoặc “chữ ký từ xa - RemoteSigning” là thế hệ chữ ký số mới có thể hoạt động trên các thiết bị máy tính để bàn, thiết bị di động và web - đáp ứng mức độ tuân thủ và đảm bảo cao nhất cho xác thực người ký. Mỗi người ký được cấp ID số dựa trên chứng thư số cấp bởi các nhà cung cấp dịch vụ tin cậy (TSP). Khi ký số một tài liệu, ID người dùng được sử dụng với mã PIN cá nhân và các bước xác minh khác để chứng minh danh tính của người ký.