“Kỳ sơn tú thủy” Tuyết Sơn - chùa Hương

Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi về với Hà Nội, quần thể di tích thắng cảnh chùa Hương (huyện Mỹ Đức) nổi tiếng xứ Đoài xưa kia, càng hấp dẫn với những tuyến, điểm mới, trong đó phải kể đến tuyến Tuyết Sơn, được mệnh danh “kỳ sơn tú thủy”.

 Động Tuyết Sơn. 
Đến chùa Hương, hầu hết du khách đều lựa chọn hành trình dọc suối Yến với những điểm dừng chân: Đền Trình, chùa Thiên Trù, chùa Giải Oan, động Hương Tích... Nhưng, quần thể này còn có chùa Bảo Đài, động Chùa Cá và động Tuyết Sơn không phải ai cũng biết. 
Hành trình đưa khách du ngoạn trên dòng suối Tuyết trong xanh len lỏi giữa vùng đầm lầy rộng lớn, một bên là những quả núi với nhiều hình thù kỳ thú: Núi Thuyền Rồng, núi Chim Phượng Hoàng, núi Ba Tòa. Còn bên kia là cánh đồng mênh mông với những gò nấm thiên nhiên xanh mướt cỏ cây. Chúa Trịnh Sâm nổi tiếng hay chữ và sành sỏi thú du ngoại đã phong tặng cho nơi đây là cảnh “kỳ sơn tú thủy” (núi nước đẹp lạ).

Khi thuyền cập bến Tuyết Sơn, du khách lên bờ đi khoảng 200m sẽ tới chùa Bảo Đài tọa lạc dưới một chân núi thấp. Chùa được xây theo lối kiến trúc đời Lê - Trịnh. Qua thời gian, được tu sửa nhiều lần, mang những nét kiến trúc nhà Nguyễn như ngày nay.

Từ chùa Bảo Đài, đi bộ khoảng 1,2km sẽ tới động Tuyết Sơn. Đường vào động có những đoạn lên, xuống khá gồ ghề, hai bên là những vườn mơ ngát hương vào mùa Xuân. Động Tuyết ở trên thế cao lưng chừng núi, cảnh trí nên thơ.
Trong động có rất nhiều nhũ đá đẹp, có chỗ quấn quýt như một ổ rồng. Động chia thành hai nhánh, một là Tam bảo thờ Phật bên cạnh có khối thạch nhũ gọi là cây trường tuyết, trong vách đá có bức tượng phù điêu tạc bà Quận chúa Ngọc Hương mang dáng vẻ hiền từ. Nhánh động kế bên là điện thờ mẫu, có tượng các cô, các cậu bằng đá. Mấy năm nay, nhà chùa cùng với chính quyền địa phương và người dân từng bước xây dựng quần thể này xứng danh là “kỳ sơn tú thủy”.