Kỹ sư cầu đường 8X khởi nghiệp với nghề may

Hà Dương - Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tốt nghiệp kỹ sư cầu đường Đại học GTVT TP Hồ Chí Minh, lăn lộn nhiều năm với nghề xây dựng nhưng vất vả, lại hay xa gia đình, nên Vũ Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Watling Việt Nam quyết định khởi nghiệp và đã thành công với nghề sản xuất, kinh doanh sản phẩm may mặc.

Cơ duyên
Sinh ra ở nước Nga, 3 tuổi cùng gia đình đã trở về quê sinh sống, lớn lên ở mảnh đất xứ Nghệ nhưng Vũ Ngọc Minh lại lập nghiệp tại Hà Nội. Anh tâm sự, lăn lộn nhiều năm với nghề xây dựng nhưng không thành công, anh quyết định chuyển sang kinh doanh ngành may mặc và Công ty Watling Việt Nam (273 Vũ Xuân Thiều, Phúc Lợi, Long Biên) ra đời. “Cơ duyên khởi nghiệp lần hai xuất phát từ một người anh họ của vợ. Có chút vốn sau khi làm xây dựng, tôi quyết định đầu tư vào máy móc nhà xưởng, thuê công nhân và bắt đầu khởi nghiệp lại ở ngoại thành Hà Nội” – Vũ Ngọc Minh chia sẻ.

Anh Vũ Ngọc Minh đang kiểm tra công nhân may áo cho khách tại Công ty Watling Việt Nam. Ảnh: Hà Dương

Tuy nhiên, thời gian đầu khởi nghiệp, Công ty Watling Việt Nam hoạt động khá chật vật vì làm gia công, lãi thấp chỉ đủ bù chi phí nhà xưởng, máy móc, công nhân khiến cho chàng trai 8X đã tính đến chuyện chuyển về quê. Trong lúc khó khăn nhất, Minh nảy ra ý tưởng về lối đi mới cho công ty trong một lần tình cờ lên mạng gõ tìm từ khóa “may đo theo dây chuyền công nghiệp”. Minh chuyển hướng sang may đo, thiết kế sơ mi nam cho những người có thu nhập khá, dân văn phòng theo dây chuyền công nghiệp. Bởi, đa số các sản phẩm áo sơ mi đại trà không thể vừa vặn mọi chi tiết trên cơ thể và chưa đáp ứng được gu thẩm mỹ của đối tượng khách hàng này.

Thành công với hướng đi mới

Do đối tượng phục vụ hướng tới là những khách hàng có thu nhập khá, việc đầu tiên Minh chọn nguyên liệu vải may sản phẩm có chất lượng vải tốt, sang trọng được nhập từ Thái Lan. Bên cạnh đó, Minh tâm niệm, dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng phải rất chu đáo, nhiệt tình để tạo niềm tin khi sử dụng sản phẩm của công ty. “Mọi thông số áo khi may đều vừa khít trên cơ thể khách, nhưng khi khách gầy đi hoặc béo lên thì mình phải bảo hành sản phẩm đến khi khách ưng ý thì thôi” – Minh dẫn chứng.

Chia sẻ về những khó khăn của lần thứ ba khởi nghiệp, Giám đốc 8X này cho rằng, vốn duy trì hoạt động của nhà máy, nguyên phụ liệu cần khá nhiều, trong khi hiện người Việt vẫn có nhu cầu mua áo may sẵn cao, thiên về giá rẻ và đặc biệt tìm khách hàng cho sản phẩm là bài toán không hề dễ dàng. Có thời điểm, Minh phải chấp nhận chịu lỗ để thực hiện ước mơ của mình. Minh thông tin, 5 tháng đầu doanh thu công ty bị âm mà vẫn phải nhập vải đều đặn cho khách chọn, mỗi lần lấy 60 – 80 màu vải, tương đương 2.000 – 3.000m. Để khắc phục khó khăn, công ty phải nhận đơn hàng gia công về làm, lấy ngắn nuôi dài. Sau một thời gian, với chiến lược kinh doanh hợp lý, cùng mẫu vải phong phú hơn, lượng khách hàng tìm đến công ty cũng tăng lên, hiện đạt 150 – 200 khách/tháng. “Người nhiều thì đặt 4 – 5 cái cho cả gia đình, người ít thì 1 - 2 cái. Khách mặc lại giới thiệu cho bạn bè, người thân. Đặc biệt, các cơ quan may đồng phục số lượng lớn cũng dần tăng” - anh Minh chia sẻ.

Hiện tại, doanh thu của Công ty Watling Việt Nam đạt khoảng 250 - 300 triệu đồng/tháng, tạo công ăn việc làm cho 40 công nhân. Giám đốc Công ty Vũ Ngọc Minh hy vọng, thời gian tới, may đo sơ mi sẽ trở thành xu thế của một bộ phận người Việt thì với thương hiệu đã được gây dựng, công ty sẽ có những bước tiến thành công hơn.
Khi có ý tưởng, việc đầu tiên là tôi tìm kiếm thông tin ở một số thị trường lớn về sơ mi như Đức, Hà Lan, Hoa Kỳ... và thấy xu hướng này đang rất thịnh hành. Dù bước đi khá liều lĩnh nhưng đây là một phân khúc tiềm năng nên tôi sẽ quyết tâm tiếp tục theo đuổi, phát triển thương hiệu cho riêng mình.

Giám đốc Công ty Watling Việt Nam Vũ Ngọc Minh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần