Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Kỳ thi mới, trăn trở cũ

Kinhtedothi – 3 ngày sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm thi lớp 10 năm học 2025 - 2026, mọi cảm xúc hồi hộp, hạnh phúc hay ngậm ngùi lúc tra điểm đã tạm qua đi. Khi có thời gian nhìn kỹ hơn vào bảng điểm chuẩn, dư luận thêm trăn trở khi khoảng cách điểm đầu vào giữa các trường nội thành - ngoại thành vẫn ở rất xa nhau.

Thí sinh dự tham dự kỳ thi lớp 10 năm học 2025 - 2026.

Chênh lệch điểm chuẩn ở mức cao

Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi lớp 10 thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới về cấu trúc, định dạng đề thi. Kỳ thi được tổ chức với 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Công thức tính điểm xét tuyển có thay đổi so với trước khi cả 3 môn đều tính hệ số 1, điểm tối đa của mỗi thí sinh là 30.

Tốp 12 trường THPT có điểm chuẩn cao nhất năm học 2025 - 2026.

Theo dõi bảng điểm chuẩn của 115 trường THPT công lập không chuyên trên địa bàn TP có thể thấy rõ, chênh lệch điểm chuẩn giữa trường có điểm cao nhất và trường có điểm chuẩn thấp nhất là 15,5 điểm - một khoảng cách rất lớn. Cụ thể, điểm chuẩn của trường cao nhất là 25,5 (trung bình 8,5 điểm/môn); còn điểm chuẩn của trường thấp nhất là 10 (trung bình 3,33 điểm/môn).

Toàn TP có 16 trường điểm chuẩn dưới 14 điểm, phần lớn thuộc khu vực ngoại thành (dưới 5 điểm/môn); có tới 28 trường lấy điểm chuẩn dưới mức trung bình (dưới 15 điểm). Trong khi đó, để trúng tuyển vào nhóm 11 trường tốp đầu (điểm từ 23,75 trở lên), thí sinh phải đạt trung bình khoảng 8 điểm mỗi môn. Như vậy, cùng là khối THPT công lập của Hà Nội nhưng có trường hơn 3 điểm/môn đã đỗ; trong khi đó, một số trường yêu cầu điểm rất cao khi thí sinh đạt 8 điểm/môn cũng có thể trượt nguyện vọng 1.

“Năm 2025, dù tỷ lệ tuyển sinh vào trường THPT công lập tăng 3% (từ 61% lên 64%) nhưng dường như áp lực của kỳ thi vẫn không giảm, nhất là ở khu vực nội thành. Hầu hết học sinh lớp 9 đều sống trong trạng thái căng thẳng từ lúc ôn thi cho đến khi công bố điểm thi; kéo theo đó là sự căng thẳng của cha mẹ và thầy cô”, một giáo viên lớp 9 tại Hà Nội chia sẻ.

Tiếp tục đặt ra thách thức

THPT Lưu Hoàng là một trong 5 trường có điểm chuẩn thấp nhất TP. Nhà giáo Hoàng Chí Sỹ - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: điểm chuẩn của trường năm nay tuy trong nhóm thấp nhất (10 điểm) nhưng so với năm 2024 vẫn là nhỉnh hơn. Điểm chuẩn của trường thấp cũng là vấn đề đã được dự báo từ trước. Năm học 2025 – 2026, trường được giao 495 chỉ tiêu nhưng chỉ có 447 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1.

16 trường THPT thuộc nhóm có điểm chuẩn thấp nhất năm học 2025 - 2026.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến điểm chuẩn Trường THPT Lưu Hoàng năm nào cũng thấp, nhà giáo Hoàng Chí Sỹ cho rằng, điều này xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, trường đóng tại khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm, nơi kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Tại đây, học sinh không có điều kiện đi học thêm hay học ở trung tâm như học sinh vùng nội thành. Phụ huynh đa phần làm nông nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ nên không quan tâm, sát sao với con cái. Thêm vào đó, ở các khu vực ngoại thành, trường lớp nhiều nhưng số lượng thí sinh đăng ký thường thấp hơn số chỉ tiêu được giao.

“Trước đó, nhà trường đã nắm bắt thông tin về số lượng học sinh từ các trường THCS trên địa bàn. Do vậy, với điểm chuẩn là 10 điểm, nhà trường cũng phải rất cố gắng mới tuyển đủ chỉ tiêu”, nhà giáo Hoàng Chí Sỹ nói.

Nhà giáo Phan Lạc Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Bất Bạt chia sẻ, trường nằm ở địa bàn ven sông Đà nên vùng tuyển sinh bị thu hẹp. Các địa bàn dân cư lân cận của trường không có nghề phụ, đa số người lao động đi làm ăn xa và cho con đi cùng nên càng khó tuyển đủ chỉ tiêu.

Năm nay, số lượng thí sinh lớp 9 nộp hồ sơ nguyện vọng 1 vào trường chỉ khoảng 350 em, trong khi chỉ tiêu được giao là 450. Nhà trường sẽ tiếp tục tuyển nguyện vọng 2, 3 là những em ở khu vực lân cận không đỗ nguyện vọng 1.

“Việc nhiều trường lấy điểm chuẩn vào lớp 10 ở mức thấp từ 10 đến dưới 15 điểm/3 môn năm nay hoàn toàn có thể giải thích được. Nguyên nhân cơ bản do các trường THPT lấy chỉ tiêu cao hơn số học sinh lớp 9 hiện có của địa phương”, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thượng Hiền (Vân Đình, Hà Nội) Nguyễn Thị Hòa cho biết.

Theo Hiệu trưởng THCS Nguyễn Thượng Hiền, nhiều năm qua, các trường ở khu vực nội thành Hà Nội có đông học sinh lớp 9 và nhiều nơi không đủ lớp, đủ trường THPT công lập; trong khi đó, ở ngoại thành thì ngược lại, thường phải tuyển nguyện vọng 2, 3 của thí sinh nội thành. Không ít năm, một số trường dù điểm chuẩn thấp, tuyển bổ sung những vẫn thiếu chỉ tiêu nên đành phải xin tuyển sinh tràn tuyến.

Nếu đề thi lớp 10 của Hà Nội là bức tranh của công cuộc đổi mới giáo dục, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học; thì điểm chuẩn của kỳ thi cho thấy những thách thức tiếp tục đặt ra cho ngành giáo dục Thủ đô. Dù đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tích cực, sáng tạo nhưng khoảng cách giáo dục giữa nội thành - ngoại thành Hà Nội vẫn còn rất xa. Vấn đề này cần được nhìn nhận toàn diện, thấu đáo và để giải quyết, không thể một sớm một chiều; đồng thời cần sự chung tay của các cấp, các ngành cùng toàn xã hội trong việc chăm lo, phát triển giáo dục.

Tra cứu điểm thi lớp 10 trên Báo Kinh tế & Đô thị

Tra cứu điểm thi lớp 10 trên Báo Kinh tế & Đô thị

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ