Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Chủ động phương án đối phó thiên tai, dịch bệnh

Hà An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9 và 10/8 tới, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ được tổ chức với sự tham gia của hơn 900.000 thí sinh. Trong khi đó, dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp bởi sự lây lan trong cộng đồng tại Đà Nẵng.

Còn các tỉnh phía Bắc, dự báo diễn biến mưa lũ bất thường. Vậy phương án cho kỳ thi sẽ được tính toán ra sao?
Đà Nẵng chủ động các phương án cho kỳ thi thành công
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu trưởng các điểm thi có trách nhiệm tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo đó, các trường có đặt điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 bảo đảm đầy đủ thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho cán bộ coi thi, nhân viên bảo vệ, phục vụ, thí sinh dự thi.
 Giờ lên lớp của cô và trò trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng. Ảnh:  Hải Linh
Mặt khác, Sở yêu cầu bố trí mỗi điểm thi ít nhất 2 phòng dự phòng, sắp xếp bàn ghế bảo đảm giãn cách giữa các bàn dành cho thí sinh. Hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên có trách nhiệm chỉ đạo rà soát tình hình sức khỏe 100% học sinh, học viên tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Về phía Bộ GD&ĐT, Ban chỉ đạo thi Quốc gia theo dõi tình hình của Đà Nẵng để có phương án chủ động kịp thời. Hiện nay, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT cùng với Ban chỉ đạo thi quốc gia đang phối hợp chặt chẽ để nắm bắt tình hình. Căn cứ diễn biến của dịch Covid-19 để có phương án cụ thể. Trong các yêu cầu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT lưu ý các địa phương không chủ quan trước diễn biến dịch bệnh, có biện pháp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho thí sinh và các lực lượng tham gia kỳ thi.
Lên phương án ứng phó với thiên tai
Không chỉ riêng vấn đề dịch bệnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra vào đầu tháng 8, thời điểm có thể xuất hiện mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất, dự báo mưa lớn ở các địa phương, trong đó đặc biệt là cách tỉnh vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp. Để chủ động ứng phó diễn biến bất thường của thời tiết, nhiều địa phương đã xây dựng phương án dự phòng, đồng thời hỗ trợ thí sinh đi lại trong những ngày thi. Hà Giang vừa chứng kiến trận mưa lịch sử gần 60 năm qua.
UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo UBND các huyện, TP tập hợp phương tiện đưa đón học sinh ở xa đến điểm thi, cũng như các phương tiện ứng trực, hỗ trợ khác khi có hiện tượng thời tiết cực đoan, bão lũ, sạt lở… trong thời gian diễn ra kỳ thi.
Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương nói rằng, thời gian tổ chức kỳ thi dễ xảy ra mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất, làm mất điện lưới, thông tin liên lạc, ách tắc, chia cắt giao thông nên tỉnh đã chuẩn bị kỹ các phương án hỗ trợ vận chuyển đề, bài thi. Đồng thời có kế hoạch bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt tại trường hoặc gần trường cho học sinh trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang Vũ Đình Hưng cho biết, các điểm thi thường xảy ra bão lũ đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó, lên phương án đưa, đón thí sinh, bố trí cho các em ở gần địa điểm thi, không qua sông, suối. Cùng với đó, xây dựng phương án phối hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 12 thuê ô tô đưa đón thí sinh trong các ngày thi; chuyển điểm thi nếu không bảo đảm an toàn hoặc mưa lũ gây ngập lụt, sạt lở…
Học sinh, phụ huynh không nên hoang mang, lo lắng
Chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, các phương án cho tình hình bất thường đã được Bộ GD&ĐT và các địa phương tính toán để không bị động. Về cơ bản, thời điểm này học sinh vẫn cần tập trung ôn tập tốt.
Hiện nay, nhiều trường học tại Hà Nội đang chú trọng ôn tập cho học sinh yếu. Cô Vũ Thị Hậu - Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết, sau kỳ khảo sát đầu tiên dành cho học sinh lớp 12 của TP Hà Nội, nhà trường đã “lọc” ra vài chục học sinh có nguy cơ điểm liệt ở một số môn để bổ sung kiến thức và động viên tâm lý cho các em thi tốt.
Theo cô Trần Hồng Bắc - giáo viên trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội), không ít học sinh, phụ huynh bảy tỏ băn khoăn, lo lắng, liệu dịch bệnh có ảnh hưởng đến kỳ thi hay không.
“Tôi vẫn động viên các em tập trung ôn tập tốt, nếu có diễn biến bất thường, các em sẽ được hướng dẫn cụ thể. Các em cũng hay rỉ tai nhau về việc đề thi có thể liên quan đến những sự kiện thời sự, tôi giúp các em ổn định tâm lý, học trong phạm vi kiến thức của Bộ GD&ĐT, không hoang mang, không tự đoán để ôn tủ” - cô Bắc nói.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, ngành GD&ĐT sẽ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 ở các địa phương, kể cả TP Đà Nẵng, theo đúng kế hoạch đã đề ra. Bộ trưởng khuyến cáo thí sinh, phụ huynh không nên hoang mang, lo lắng trước tình hình thiên tai, dịch bệnh. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành chức năng bảo đảm tốt nhất cho kỳ thi diễn ra an toàn.
Làm việc với các địa phương về phương án chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý các hội đồng thi phải chuẩn bị hết sức nghiêm túc, có phương án dự phòng với tình hình thiên tai, bão lũ và tình hình dịch bệnh.