Kỳ tích xuất nhập khẩu

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến giữa tháng 12/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã chinh phục mốc 400 tỷ USD.

Đây không chỉ là kỷ lục có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế mà còn là con số đánh dấu sự nỗ lực và những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
 Ảnh minh họa
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam tăng trưởng từ mức 30 tỷ USD lên 400 tỷ USD có thể coi là kỳ tích. Bởi lẽ vào những năm đầu thập kỷ 90, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam mới đạt 2,5 tỷ USD. Lúc đó kim ngạch XNK của cả châu Phi là 26 tỷ USD. Cho đến nay, cả châu Phi kim ngạch XNK chưa qua 100 tỷ USD mà Việt Nam đã đạt 400 tỷ USD.

Kỳ tích này không chỉ có ý nghĩa với riêng Việt Nam mà còn khẳng định vị thế ngày càng cao của nước ta trên bản đồ giao thương quốc tế. Năm 2007, khi gia nhập WTO, xuất khẩu của Việt Nam xếp thứ 50. Đến nay, vị trí này đã tăng 24 bậc, lên vị trí 26. Còn nhập khẩu trước ở vị trí thứ 41, thì đến nay đã tăng 16 bậc, lên vị trí 25. Hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mười năm sau gia nhập WTO, Việt Nam đã vào nhóm 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có trị giá kim ngạch XNK lớn nhất thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế đã bày tỏ ngưỡng mộ về sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động XNK của Việt Nam. Năm 1994, toàn châu Phi xuất khẩu 60 tỷ USD, trong khi Việt Nam mới đạt 2,4 tỷ USD, nhưng tới năm 2016 thì chỉ số này của châu Phi mới tăng 90 tỷ USD trong khi Việt Nam đã tăng lên gần gấp đôi kim ngạch của cả châu Phi.

Con số này cũng chứng tỏ sự nỗ lực cao độ của các bộ, ngành, cộng đồng DN, trong đó có vai trò đặc biệt của ngành hải quan. Đó là sự nỗ lực và những kết quả đạt được trong công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, góp phần đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK. Gần 80.000 DN XNK đánh giá cao các nỗ lực này.

Cũng từ “đỉnh” chiến thắng kỷ lục này, để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, ngành hải quan nói chung và đội ngũ cán bộ công chức phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính. Điều này sẽ góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho DN, hàng hóa Việt Nam trên thương trường quốc tế.