Năm 2019, UBND quận Hoàn Kiếm đã có ý tưởng “biến khu bãi rác thành điểm đến nghệ thuật” thuộc dự án “Cải tạo bờ bên lở sông Hồng”. Địa điểm được lựa chọn là 500m đoạn tường cũ, ra đời cách đây ngót 20 năm để chống lấn chiếm đất đai trái phép.
Theo năm tháng thời gian, nơi đây đã trở thành bãi rác lộ thiên, ngập ngụa đủ các thứ mà các hộ dân thải ra hàng ngày. Đã bao lần chính quyền địa phương ra quân rầm rộ, treo không biết bao biển cấm, nhưng rốt cuộc đâu vẫn hoàn đấy.
Với ý tưởng cùng với người dân sinh sống ở đây, chung tay tạo nên một tác phẩm đường phố bằng chính những đồ dùng tái chế, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và các cộng sự đã biến bãi rác Phúc Tân thành điểm đến hấp dẫn giới trẻ và du khách.
Nhóm tác giả của dự án gồm 14 họa sĩ, kiến trúc sư trong nước và 2 họa sĩ nước ngoài đã phải nhiều lần đến Phúc Tân thâm nhập vào đời sống và lắng nghe ý kiến của người dân. Khi trình bày ý tưởng và được bà con ủng hộ thì chính họ đã được người dân chung tay cùng vệ sinh khu vực và còn tham gia thu gom vật liệu tái chế.
Họa sĩ Goerge Burchett, người Úc bằng 2 tác phẩm “Voi” và “Sống xanh” làm bằng thép không gỉ phun sơn đã muốn gửi gắm thông điệp “Làm cho Hà Nội sạch và xanh”, gắn con người với thiên nhiên.
Kiến trúc sư Diego Chula lại dùng những mảnh gương vỡ để tạo nên tác phẩm “Sắc màu”, để du khách ai cũng có thể nhìn thấy chính mình trong tác phẩm của ông. Những bu gà bỏ đi ở chợ Long Biên qua bàn tay ông đã tạo nên những lồng đèn nhiều màu sắc. Ngoài ra, ông còn thiết kế một dãy ghế sắt tái chế từ những khung cửa sổ sắt cũ để tạo thành nơi nghỉ chân ngắm tác phẩm cho du khách và người dân.
Nghệ sĩ Khắc Quang lại cho ta thấy hình ảnh người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20 - nghệ nhân Hà Thị Cầu trên xe điện, một phương tiện giao thông quen thuộc của Hà Nội ngày trước. Bản thân nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, từ sắt phế thải và inox gương, đã tạo ra 2 bức phù điêu với tổng chiều dài 6m phục dựng lại bức “Ngư nghiệp và nông nghiệp”. Anh như muốn kể lại cho mọi người cuộc sống mưu sinh lam lũ, vất vả của những người lao động ở 2 bên bờ sông Hồng.
Những người dân nhập cư sống lênh đênh trên sông Hồng sẽ thấy chính mình trong tác phẩm “Nhà nổi” của nghệ sĩ Lê Đăng Ninh. Bằng các thùng phuy áp dụng kỹ thuật cắt laze, kết hợp với hiệu ứng đèn led ánh sáng đã đưa du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi Hà Nội về đêm. Nhờ hệ thống đèn chiếu sáng mà vào buổi tối, các tác phẩm vẫn nổi bật dọc con đường ven sông.
Với hơn 10.000 vỏ chai nhựa và chai dầu nhớt xe máy, kết hợp với khung sắt và gốm vụn, họa sĩ Vũ Xuân Đông đã tạo nên bức tranh “Thuyền” hoành tráng với kích thước 10m x 3,5m. Họa sĩ đã đưa du khách về bức tranh Thăng Long ngày xưa với những thương thuyền tấp nập kẻ bán, người mua.
“Dự án không chỉ đơn thuần là tái chế, mà qua nghệ thuật để kể những câu chuyện của ký ức, lịch sử” - nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, người tổ chức dự án, cho hay. 16 tác giả với những chất liệu thể hiện khác nhau, toàn là những thứ đồ phế thải nhưng dưới bàn tay tài hoa của các họa sĩ, kiến trúc sư đã tạo nên một không gian nghệ thuật đặc sắc. Sau 5 tuần thi công, sau rằm tháng Giêng du khách đến Hà Nội đã có dịp chiêm ngẫm một tác phẩm nghệ thuật đường phố đầy ấn tượng.