“Ký ức Hội An”: Dấu hỏi về cấp phép

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu công diễn từ 18/3, chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” tại Công viên chủ đề Ấn tượng Hội An, nằm trên một cồn nổi giữa sông Hoài (Hội An) đã tạo ra những phản ứng gay gắt của các nhà chuyên môn cũng như khán giả. Lạ lùng nhất là chuyện một chương trình diễn ra ở Hội An, nhưng lại do Sở VH&TT Hà Nội cấp phép.

 Cảnh trong show diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”.
Lai tạp văn hóa

“Ký ức Hội An” là một show diễn thực cảnh, được đầu tư kinh phí lớn, có sự tham gia của đội ngũ biên đạo, diễn viên cũng như cố vấn nghệ thuật khá hùng hậu. Thực tế, show diễn thực cảnh còn khá xa lạ với Việt Nam.
Ở miền Bắc, mới có ông chủ Tuần Châu Đào Hồng Tuyển bỏ hàng chục tỷ đồng để thuê đạo diễn Việt Tú và các nghệ sĩ thực hiện vở “Thuở ấy xứ Đoài” và sau này là đạo diễn Hoàng Nhật Nam xây dựng vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” phục vụ cho khu du lịch mới ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Đây được coi là vở thực cảnh đầu tiên của Việt Nam. Khi dự án “Ký ức Hội An” được công bố thực hiện, hứa hẹn sẽ là vở diễn thực cảnh hoành tráng thứ 2. Ngày 18/3, trong buổi khai màn, vở diễn đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao các danh hiệu: Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam”, “Chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất”.

“Ký ức Hội An” sử dụng nghệ thuật múa đương đại, kết hợp với âm thanh ánh sáng để đem đến cho người xem một Hội An xa xưa là hình ảnh một thương cảng sầm uất, nơi giao thoa văn hóa, điểm nối nước Việt vào con đường tơ lụa trên biển.
Chỉ tính riêng tiền lương trả 500 nghệ sĩ, một tháng đơn vị đầu tư phải chi trả khoảng 3 tỷ đồng. Thế nhưng, độ hoành tráng không phải là thước đo sự thành công. Ngay sau buổi diễn khai màn, vở diễn đã nổ ra những cuộc tranh luận không ngớt, thậm chí còn có diễn đàn kêu gọi tẩy chay “Ký ức Hội An”.
Nhà văn Trần Kỳ Trung – cây bút khá đình đám ở xứ Quảng cho rằng: “Những chi tiết, trang phục, hành động của diễn viên làm khán giả mường tượng đến một xứ sở nào khác ngoài lãnh thổ Việt Nam, chứ khó hình dung đó là Hội An thân thương, gần gũi mà những người gắn bó với Hội An như tôi được biết”. Một vở diễn kể về chiều dài lịch sử của Hội An, nhưng quên nhắc công mở cõi của chúa Nguyễn Hoàng, cách nhìn về người phụ nữ Hội An cũng không giống với bản chất văn hóa mở nơi đây.
“Áp phụ nữ Hội An vào hình tượng chờ chồng hóa đá là sai lầm rất lớn” – nhà văn Trần Kỳ Trung bày tỏ. Rất nhiều vấn đề khác về nội dung, âm thanh, ánh sáng và trang phục giống Trung Quốc của “Ký ức Hội An” đang trở thành vấn đề tranh luận nảy lửa.

Biểu diễn ở Hội An, xin cấp phép tại Hà Nội

Điều đặc biệt, kịch bản show diễn thực cảnh không phải do Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam cấp phép, mà được Sở VH&TT Hà Nội phê duyệt. Theo quy định của Nghị định 79/2012/NĐ-CP, các chương trình nghệ thuật có thể xin cấp phép ở các địa phương trên cả nước, Sở VH&TT nơi vở diễn diễn ra có trách nhiệm tiếp nhận.
Chính vì vậy, với trường hợp “Ký ức Hội An” khi đã được Sở VH&TT Hà Nội cấp phép đương nhiên sẽ được biểu diễn. Sở VHTT&DL Quảng Nam chỉ có trách nhiệm theo dõi vở diễn có thực hiện theo kịch bản đã phê duyệt hay không.

Được biết, Sở VH-TT Hà Nội đang kiểm tra lại quy trình và nội dung cấp phép, sau đó sẽ thông tin đến các cơ quan truyền thông.
Đạo diễn Hongkong Mai Soái Nguyên - một trong những người được coi là "cha đẻ" của nghệ thuật biểu diễn thực cảnh - đảm nhiệm vai trò tổng đạo diễn chương trình “Ký ức Hội An”. Ông đã tổ chức thành công 26 show diễn thực cảnh quy mô lớn tại Hongkong, Ma Cao, Trung Quốc. Đặc biệt là show diễn “Ấn tượng Lưu Tam Tỷ” tổ chức tại Quế Lâm (Trung Quốc) kéo dài 13 năm, quy tụ hơn 700 diễn viên, mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu du khách tới thưởng thức.