Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ký ức tự hào của những nữ biệt động Sài Gòn

Bài, ảnh: Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 có sự đóng góp quan trọng của lực lượng biệt động thành nói chung và các nữ biệt động nói riêng.

Họ là những người lính thầm lặng, xây dựng và bảo vệ được các cơ sở cách mạng, các lãnh đạo và trấn áp lực lượng phản cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Những nữ biệt động trong ngày hội ngộ giữa TP Hồ Chí Minh sau 50 năm diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Những nữ biệt động dũng cảm, kiên cường, mưu trí cũng chính là lực lượng trực tiếp tham gia các trận đánh vào những điểm trọng yếu của địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bà Đào Thị Huyền Nga (bí danh Hồng Quân) còn nhớ như in những ngày tháng lịch sử của 50 năm trước khi bà tham gia vào Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng tại mặt trận Sài Gòn. Lúc này, điều bà khắc khoải chính là những đồng đội đã hi sinh, những người đã sát cánh cùng bà trong những năm tháng ác liệt. “Tôi còn nhớ rõ từng khuôn mặt đồng đội đã sát vai nhau trên đường phố Sài Gòn. Làm sao quên được đồng đội đã chiến đấu bên nhau khi đối mặt với kẻ thù, cũng không khỏi đau xót bởi những hy sinh của đồng đội sau các trận đánh khốc liệt” - bà Nga nghẹn ngào.

Nữ biệt động Huyền Nga chia sẻ một nhiệm vụ vào ngày 27/4/1968, bà và đồng đội được Bộ Tư lệnh tiền phương giao chi viện vũ khí cho quận 4 chuẩn bị cho trận đánh lớn. Cả đội đã tuyên thệ “phải chuyển được vũ khí vào thành phố cho dù phải nằm lại nơi chiến trường”. Với ý chí sắt đá, bà Nga đã cùng các đồng đội ém quân vận chuyển một số lượng vũ khí lớn cho các lực lượng nội đô tại các điểm chợ Cầu Muối, hẻm 83 Đề Thám, các tuyến đường Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão... Riêng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng còn được giao phối hợp với các lực lượng biệt động khác đánh vào Dinh Độc lập, Tòa Đại sứ, Ty đặc biệt 2, Nha đô thành, Tổng nha cảnh sát, Ngân hàng và một số cơ quan của Mỹ tại Sài Gòn. Bà Nga kể: “Trận đánh ở hẻm 83 Đề Thám diễn ra rất ác liệt, một Tiểu đoàn của ta được lệnh rút khỏi địa bàn để bảo toàn lực lượng. Yêu cầu lúc đó cần có vài biệt động ở lại để chủ động lộ điểm đánh lạc hướng địch cho đồng đội chuyển ra ngoài. Nhưng lúc này, Tổ biệt động chúng tôi cũng chỉ có ba người và đều bị thương nên cùng quyết định ở lại. Trước làn đạn súng bắn, lựu đạn của địch ném vào ngày càng dày đặc, tôi đã tự cắt lìa cánh tay bị thương của mình để tiếp tục chiến đấu". Sau đó, bà bị địch bắt giam, tra tấn dã man, nhưng bà cương quyết không khai bất cứ điều gì.

Cũng như nữ biệt động Huyền Nga, nữ biệt động Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chín Nghĩa) là người duy nhất còn sống sót sau trận đánh vào Dinh Độc Lập. “Đêm trước trận đánh, chúng tôi quây quân bên nhau và nghe lời chúc Tết của Bác Hồ. Sau đó chúng tôi nhận lệnh đêm mùng Một Tết, sẽ đánh vào Dinh Độc lập. Vậy là, tất cả đều đồng lòng nhận lệnh và xác định dù lực lượng địch có lớn hơn gấp trăm lần, đánh vào nơi được mệnh danh là có mức độ canh phòng, trang bị phòng thủ cực kỳ kín kẽ bất khả xâm phạm" - bà Nghĩa hồi tưởng. Cả đơn vị hi sinh, riêng bà Nghĩa bị bắt và chịu nhiều đòn tra tấn của địch, nhưng quyết không khai bất cứ thông tin gì. Sau đó bà bị đày ra Côn Đảo đến năm 1974 mới được trả tự do.

Chiến đấu gan dạ, mưu trí, dũng cảm ngay giữa “thánh địa” của ngụy quân Sài Gòn, những nữ biệt động phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy, chịu đựng nhiều đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù. Bà Phùng Thị Ngọc Anh với biệt danh “Tiểu Long Nữ trên đường phố” đã trải qua tất cả những cung bậc ấy. Nghẹn ngào nhớ lại bối cảnh Sài Gòn sau đợt tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, các nhà tù khắp đô thành vội vã giải tù nhân chính trị ra Côn Đảo. Một số thành phần cho là cực kỳ nguy hiểm, đã bị tìm cách thủ tiêu. Bà Ngọc Anh bị giam chung cùng lượt với anh hùng Lê Thị Riêng – lúc đó là cán bộ Hội Phụ nữ TP và anh Chín Ca (tức Trần Văn Kiểu), đây là hai lãnh đạo của ta ở khám Chí Hòa mà ai cũng biết vào thời điểm đó. Dưới vỏ bọc áp giải các tù nhân chính trị, bọn ngụy quyền toan tính việc thủ tiêu cả 3 người. “Khi chúng đưa 3 chúng tôi lên xe, chạy trong đêm tối, bỗng có tiếng súng nã ầm ầm vào thùng xe. Cả chị Riêng và anh Chín gục xuống, tôi may mắn chỉ bị thương vào đùi nhờ được chị Riêng che chở...” - bà Ngọc Anh xúc động. Bọn cảnh sát ngụy tưởng cả 3 đã chết, đã giao xác cho bệnh viện đưa vào nhà xác, sau đó dựng cảnh để che giấu hành động thủ tiêu, đổ tiếng cho “Việt cộng” khủng bố xe cảnh sát... Ngoài bà Ngọc Anh, nữ biệt động Sài Gòn có biệt danh “Con thoi sắt” Nguyễn Thị Mai cũng từng chịu những kiểu tra tấn dã man như đánh đập, bẻ răng, dí điện vào người... nhưng không hé miệng nửa lời. Bà kể lại những giây phút đối mặt với cái chết khi bị địch tra tấn dã man: “Người tôi máu đọng lại, bụng phình to, đau dữ dội. Nhưng dù có đau đớn đến mấy tôi cũng phải cứng rắn chịu đựng, quyết không khai cơ sở bí mật của ta, kể cả vũ khí và kế hoạch chiến đấu”. Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai may mắn thoát chết vì trốn được khỏi bệnh viện của địch và về tới căn cứ an toàn.

Những ký ức đầy tự hào của những nữ biệt động Sài Gòn là một phần sự thật lịch sử của dân tộc. Sự thật ấy chỉ có trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Cuộc chiến đã gây nên biết bao mất mát, đau thương cho dân tộc, nhưng cũng hun đúc lên lòng yêu nước, sự dũng cảm phi thường của những nữ biệt động chiến đấu cho lý tưởng cách mạng cao đẹp.