Kỳ vọng cho giai đoạn tăng trưởng mới

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đạt thành tích tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài cả năm 2020 và quý I/2021, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đà hồi phục.

Động lực mạnh để thúc đẩy tăng trưởng
Nối tiếp đà phục hồi và tăng trưởng tích cực từ quý IV/2020, kinh tế vĩ mô trong quý I/2021 tiếp tục duy trì ổn định. Về cơ bản, kinh tế Việt Nam đang đi theo hướng đã dự báo, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, công nghiệp, xuất nhập khẩu tăng khá, một số ngành như kim loại, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử… khôi phục lại được mức tăng trưởng tương đương với thời điểm trước khi có dịch Covid-19.
Cầu tiêu dùng tăng trở lại. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2021 theo giá hiện hành ước đạt 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản kiểm soát thành công tại Việt Nam.
 Bốc xếp hàng xuất khẩu tại Cảng Đình Vũ. Ảnh: Phạm Hùng 
Tuy nhiên, theo kịch bản điều hành tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021, để đạt mức tăng trưởng cả năm 6,5%, các quý trong năm phải lần lượt đạt mức tăng trưởng 5,12%; 7,1%; 6,71% và 6,67%.

Theo tính toán từ cơ quan thống kê, với mức tăng trưởng quý I chỉ đạt 4,48%, phải có ít nhất 2 quý còn lại tăng trưởng trên 7% để hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, ngay từ quý II, yêu cầu tăng trưởng phải đạt 7,19%, cao hơn 0,08% so với kịch bản điều hành. Đây là thách thức không nhỏ.

TS Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế, Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng: "Mức tăng trưởng quý I đạt 4,48% tuy không cao nhưng cũng không phải quá thấp. Con số này cho thấy nền kinh tế đã phục hồi nhưng chưa đạt hết công suất. Cần thêm một chút thời gian để người kinh doanh, nhà đầu tư đủ tin tưởng chi tiền vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh".

Triển vọng tích cực

Quốc hội đặt mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 4%... Tại Nghị quyết 01/NĐ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5%, cao hơn mức 6% Quốc hội giao.
Chính phủ cũng xác định rõ về ba động lực tăng trưởng chính trong năm 2021 là: Tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Trong khi đó, xuất khẩu đang được kỳ vọng nhờ các FTA mới bên cạnh EVFTA và các hợp tác thương mại song phương, đa phương khác, chẳng hạn như FTA với Anh ký tháng 11/2020.

Đánh giá về năm 2021, các tổ chức và chuyên gia đều tin rằng Việt Nam “vẫn là ngôi sao sáng”, được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu, dòng vốn FDI bền bỉ và nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết. Việt Nam cũng có ổn định về mặt chính trị, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Trong dự báo mới nhất, HSBC cho rằng Việt Nam có thể tăng trưởng 7,6% trong năm nay, thay vì mức 8,1% đưa ra trước đó.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với GDP đạt 6,5% khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục bình thường hóa. Trong khi đó, WB nhận định triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực, dự báo tăng trưởng ở mức 6,8%.

Đặc biệt, cần phát triển thị trường trong nước để tạo thêm cơ hội cho cộng đồng DN. Nhanh chóng phát triển mạnh các mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm...) để tạo thêm sức nặng cho thị trường trong nước, qua đó hướng DN nhiều hơn về “sân chơi Việt”, “khách hàng Việt”. Kỳ vọng này xứng đáng với thực lực của nền kinh tế với hơn 100 triệu dân, với sản lượng quy đổi ngang giá sức mua 1.000 tỷ USD, thị trường chứng khoán giao dịch xấp xỉ 1 tỷ USD/ngày.
Tại thời điểm năm 2020, theo Bộ KH&ĐT, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ 4 ASEAN và thu nhập bình quân đầu người 3.521 USD, đứng thứ 6 ASEAN. Theo số liệu dự báo của Tổng Cục Thống kê, dân số của Việt Nam vào năm 2045 đạt khoảng 107,79 triệu người. Như vậy, quy mô nền kinh tế Việt Nam vào năm 2045 dự báo đạt 1.778 tỷ USD, tương đương Hàn Quốc vào năm 2018.

Với xuất khẩu, dù các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất của DN trong nước đang có dấu hiệu khả quan hơn so năm trước, lượng đơn đặt hàng đang quay trở lại ngày một nhiều hơn. Xuất nhập khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD.

Cải cách thể chế chuyển đổi số quốc gia

Bên cạnh những điểm tích cực, Việt Nam đang gặp nhiều rủi ro và thách thức. Đó là sự tái bùng phát của dịch Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong toả tiếp tục kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021 khiến sức chịu đựng của DN ngày càng yếu hơn; Xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.
Vẫn còn đó những “thắt nút cổ chai” như hạ tầng cơ sở chưa phát triển đúng mức để thu hút FDI chất lượng, công nghệ lạc hậu không đủ tạo ra sức cạnh tranh cần thiết cho xuất khẩu và nền kinh tế. Khả năng tăng trưởng cao trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn khi bảo hộ thương mại có xu hướng tăng mạnh, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng cấp bách hơn; các thách thức chuyển đổi sang mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ lớn hơn.

Có thể thấy trọng tâm nhiệm vụ của Chính phủ mới là tiếp tục cải cách thể chế, chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế số hóa và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân. Coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ (kinh tế số dự báo sẽ chiếm 20% GDP năm 2025 và 30% GDP năm 2030). Không chỉ là con số, mà nền kinh tế của thời đại 4.0 sẽ giúp Việt Nam xây con đường tắt để bắt kịp các nước phát triển; thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, kém bền vững.

Tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển, Chính phủ mới giải quyết những điểm nghẽn, chồng chéo trong kinh doanh. Cuối năm 2019, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, kinh tế tư nhân chiếm 42% GDP và đóng góp 30% thu ngân sách, quan trọng hơn nữa là khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra 85% việc làm cho nền kinh tế. Và đến năm 2030, dự báo khu vực kinh tế có những thương hiệu lớn như Vingroup, Vietjet, Masan... sẽ chiếm 60% GDP trong tỉ trọng nền kinh tế.

Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chứng tỏ sức hút từ hội nhập và tiềm năng của một nền kinh tế năng động. Những kết quả mà kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2020 sẽ góp phần tạo đà phát triển tích cực trong năm 2021.

"Tuy khó khăn nhưng mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm có thể đạt được. Bởi lẽ, nền kinh tế có thể trông chờ vào 2 động lực tăng trưởng quan trọng là xuất khẩu và đầu tư. Nhiều quốc gia trên thế giới dần kiểm soát và sẵn sàng sống chung với dịch bệnh nên nhu cầu mua hàng sẽ được duy trì, không còn bị trì hoãn như năm ngoái.

Cùng đó, các hiệp định thương mại tự do với những thị trường lớn được ký kết trong thời gian qua cũng đem lại cơ hội lớn cho xuất khẩu. Về đầu tư, một khi dịch bệnh bớt căng thẳng, đầu tư trong và ngoài nước tất yếu sẽ tăng lên. " - TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính)