Kỳ vọng của cử tri

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (ngày 22/5), Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp được diễn ra ngay sau thành công của Hội nghị T.Ư 5 với việc thông qua 3 Nghị quyết quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và xem xét xử lý cán bộ.

Và trước rất nhiều vấn đề thực tế đang đặt ra, Kỳ họp được cử tri và người dân kỳ vọng sẽ đánh giá đúng thực trạng kinh tế, xã hội; xây dựng các chính sách pháp luật phù hợp, khả thi để góp phần quản lý, điều hành hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Đây là kỳ họp thường niên giữa năm, bởi thế, hơn 60% thời lượng trong số 22,5 ngày làm việc, Quốc hội dành cho công tác xây dựng Luật, với 18 dự án Luật và Nghị quyết được thông qua, 5 dự án Luật được cho ý kiến. Trong đó có không ít Dự luật kỳ vọng mang lại nhiều thay đổi cho hành lang pháp lý chung của cả nước, tạo ra sự thay đổi trong phát triển tổng thể nền kinh tế; phòng chống tham nhũng. Cử tri hy vọng, Quốc hội sẽ làm Luật với những quy định chặt chẽ, khoa học hơn. Mỗi đại biểu (ĐB) cần phát huy trí tuệ cao nhất, để có những cái nhìn thấu đáo nhất, xem xét vấn đề dưới nhiều góc độ trước khi ấn nút thông qua. Để mỗi Dự luật ra đời thực sự làm “một cuộc cách mạng” đối với phạm vi lĩnh vực điều chỉnh, tác động và thực sự đi vào cuộc sống.

Và cũng như thông lệ, kỳ họp này còn có rất nhiều vấn đề lớn, quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển của đất nước cũng được đưa ra xem xét. Cử tri mong muốn ĐB Quốc hội nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực, tích cực tham gia góp ý kiến, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri tới nghị trường. Gửi tâm tư tới Quốc hội, nhiều cử tri bày tỏ sự vui mừng khi trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử. Nhiều sai phạm trong công tác cán bộ đã được kết luận và xử lý nghiêm minh... Nhưng cử tri vẫn lo lắng khi việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm; việc làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách Nhà nước chưa được kịp thời. Rồi những băn khoăn khi chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa đảm bảo; đời sống xã hội phát sinh không ít vấn đề phức tạp. Cả những bức xúc trước câu chuyện “được mùa rớt giá” liên tục diễn ra, lặp đi lặp lại vẫn chưa có được những giải pháp khả thi...

Trước những việc lớn, bức xúc ấy, Quốc hội cần quan tâm và đi đến tận cùng của sự việc. Mỗi ĐB Quốc hội, người đại diện cho tiếng nói của cử tri phải có trách nhiệm phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đề xuất được các giải pháp thực hiện nhằm khắc phục các hạn chế, yếu kém, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải quyết được các vấn đề cuộc sống đòi hỏi. Và cử tri còn rất chờ mong được nghe rõ các câu hỏi, những hướng quyết sách, phương hướng, biện pháp giải quyết, để thấy rõ trách nhiệm của các cấp quản lý. Để những người được giao trọng trách thấy rõ hơn trách nhiệm cá nhân của mình đối với lĩnh vực được phân công phụ trách, đối với niềm gửi gắm của người dân.

Bước vào một kỳ họp mới, một kỳ họp chắc chắn tinh thần tranh luận sẽ được đẩy cao hơn, hy vọng rằng Quốc hội và các ĐB không phải nói cho qua, làm cho có, sẽ tìm ra được những giải pháp thực sự đột phá cho mọi vấn đề chiến lược và cả bức thiết đặt ra. Và hơn thế, tiếp sau mỗi kỳ họp, cử tri lại mong rằng, các hoạt động của Quốc hội tiếp tục gần dân, sát dân hơn nữa; nghị trường Quốc hội thực sự trở thành diễn đàn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, ngày càng sôi động với những nội dung bàn thảo mang “hơi thở” cuộc sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần