Kỳ vọng lớn

Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ 16,9% ngân sách dành cho đầu tư phát triển, trong khi có đến 73% ngân sách dành cho chi thường xuyên quả là một tỉ lệ chi tiêu quá bất hợp lý trong quá trình phát triển của đất nước.

 Rất tiếc, sự bất hợp lý này lại đang tồn tại và trở thành gánh nặng cho ngân sách khi phải duy trì bộ máy hành chính công kềnh với hơn 3,5 triệu công chức, viên chức. Đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm sẽ được Hội nghị T.Ư 6, Khóa XII xem xét, thảo luận nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. 
 Ảnh minh họa
Câu chuyện một sở 46 biên chế thì đến 44 người có chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên, hẳn sẽ luôn là điển hình về thực trạng bộ máy hành chính cồng kềnh hiện nay ở nước ta. 10 năm qua, đã có 3 lần tinh giản biên chế. Tuy nhiên chẳng những không giảm mà ngược lại, có nơi bộ máy lại phình to hơn. Ngay cả khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, đề ra mục tiêu đến năm 2021 phải giảm ít nhất 10% tổng biên chế, nhưng sau hơn 1 năm thực hiện, tổng biên chế cả nước lại tăng hơn 11.000 người. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung vẫn là do việc tuyển chọn cán bộ, công chức còn dễ dãi, không theo quy hoạch; việc đánh giá cán bộ, công chức còn mơ hồ, thiếu định lượng do chưa làm tốt việc xây dựng vị trí việc làm, việc tìm ra công chức không hoàn thành nhiệm vụ để giảm biên chế “khó khăn”, nên có đến hơn 86 % đối tượng tinh giản thực chất là những người chuẩn bị nghỉ hưu. Tình trạng lợi dụng chủ trương luân chuyển cán bộ để nhồi nhét người thân, phe cánh vào bộ máy diễn ra ở các địa phương và một số bộ, ban, ngành, bất chấp nguyên tắc, tiêu chuẩn và quy hoạch đã đến lúc báo động.

Không thể để bộ máy hành chính tiếp tục trở thành gánh nặng cho ngân sách, thành lực cản phát triển của đất nước, việc này cần sự quyết tâm cao độ của toàn bộ hệ thống chính trị, mà trước hết là sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên giữ những vị trí chủ chốt. Chính vì thế, Hội nghị T.Ư 6 lần này được kỳ vọng sẽ là định hướng lớn cho quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Thành công trong việc nhất thể hóa một số chức danh, sáp nhập các cơ quan tương đồng chức năng nhiệm vụ để tinh gọn bộ máy hành chính ở một số địa phương thời gian qua đã được ghi nhận. Đó sẽ là thực tiễn để Hội nghị T.Ư 6 lần này soi rọi, xem xét và quyết định, nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản về chất trong công tác tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.