Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng mới cho giao thông Thủ đô

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những tiền đề quan trọng đạt được trong năm 2017, ngành giao thông Hà Nội kỳ vọng sẽ có những đổi thay rõ nét về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Định hình hệ thống hạ tầng khung
Một giải pháp quan trọng, đòi hỏi nhiều nỗ lực, vốn đầu tư và cả cơ chế chính sách đặc thù của giao thông Hà Nội hiện nay là phát triển kết cấu hạ tầng. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để cụ thể hóa quy hoạch, Hà Nội đang từng bước định hình hệ thống hạ tầng giao thông khung với những tuyến đường vành đai, đường trục hướng tâm, liên khu vực; các đầu mối chính của giao thông tĩnh và đường sắt đô thị.
 Ảnh: Phạm Hùng.
Một số công trình trọng điểm được xác định ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020 như: Các tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Vành đai: 2,5; 3; 3,5; cầu Mễ Sở, Thượng Cát… Ngoài ra, có 4 bến xe khách liên tỉnh: Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh; 6 bãi đỗ xe ngầm (bên trong Vành đai 3)… Trưởng phòng Thiết kế, Trung tâm Tư vấn quốc tế (TEDI) Đặng Hoàng Hiệp nhận định: “Đây là những công trình rất đặc biệt, đặt nền móng cho cả hệ thống GTVT của Hà Nội, góp phần rất lớn hạn chế ùn tắc giao thông”.

Xác định nguồn lực xã hội hóa là một trong những động lực quan trọng để bứt phá ra khỏi khó khăn về nguồn vốn đầu tư, chính quyền TP đã mạnh dạn đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho áp dụng cơ chế đặc thù, đối với nhiều công trình trọng điểm. Ngay lập tức, những chính sách này đã thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, bày tỏ mong muốn được tham gia vào các dự án hạ tầng giao thông của Thủ đô như đường sắt đô thị số 2, 5, 6; 7 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống; Vành đai 2; 2,5; 3; 3,5…

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định, 2017 là một năm đầy sôi động và thành công trong thu hút vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. Ngoài tích cực kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, TP cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo xuyên suốt, nhà đầu tư phải có năng lực chuyên môn, tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực quan tâm; có cam kết rõ ràng về vốn; dành một khoản tiền nhất định để ký quỹ đảm bảo cho quá trình thực hiện dự án; tự ứng vốn nghiên cứu, lập báo cáo khả thi công trình; có tỷ lệ giảm giá công trình nhất định so với dự toán được duyệt… Đó là tiền đề để Hà Nội bước sang năm 2018, với những đổi thay cơ bản và rõ rệt trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Bài toán ý thức

Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP Hà Nội Lưu Xuân Bình chia sẻ: “Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân có ý thức tham gia giao thông chưa cao”.
Dẫn chứng những hành vi như đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, cố tình lấn làn… còn diễn ra khá phổ biến trên các tuyến đường của Hà Nội, ông Lưu Xuân Bình cho rằng, đó cũng là một trong những thách thức đối với giao thông TP.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên lưu ý, tình trạng vi phạm các quy định vận tải và luật giao thông của xe tải, xe khách còn nhiều, gây ùn tắc, mất trật tự, an toàn giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm.
“Xử lý triệt để những vi phạm này sẽ góp phần không nhỏ hạn chế ùn tắc trên địa bàn TP”. Nhiều chuyên gia đồng tình, để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, bước sang năm 2018, cơ quan chức năng sẽ cần nhiều biện pháp quyết liệt hơn.

Hà Nội đang trong thời kỳ phát triển mạnh, nhưng cũng còn rất nhiều trở ngại, trong đó có vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Năm 2018 có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển GTVT nói chung của TP. Để vượt qua những khó khăn hiện tại, trở thành một TP đáng sống, cần có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và người dân Thủ đô.