Kỳ vọng mùa lễ hội văn minh

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa lễ hội 2020 chuẩn bị khai màn, Hà Nội đã dùng cả biện pháp “cứng” và “mềm” để mùa hội mới không chỉ ngăn chặn tình trạng chen chúc, chặt chém mà còn hy vọng khung cảnh hội văn minh, sạch đẹp, người dân đi trẩy hội cảm nhận được không khí vui tươi, đầm ấm ngày Xuân.

Ảnh: NSNA Hoàng Như Thính – CLB Nhiếp ảnh Người Cao tuổi Hà Nội.
Từ 2 - 3 năm nay, Hà Nội đã lên kịch bản và hạn chế được hầu hết các hình ảnh bạo lực trong lễ hội. Lễ hội đền Sóc (Sóc Sơn) không còn cảnh hàng nghìn người xô nhau tranh lộc trầu cau, giò hoa tre để rồi xây xát, chảy máu hoặc đánh nhau đến nhập viện. Vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm, tại khu di tích lịch sử đền Sóc hàng nghìn người dân vẫn rộn ràng đi hội. Người dân các thôn Vệ Linh, Đan Tảo… khấp khởi chuẩn bị lễ vật dâng thánh. Tiếng trống hội vang rền, sau khi dâng lễ, tiến cung, lộc thánh được chia đều cho tất cả du khách. Không chen chúc, không buồn phiền vì người có lộc, người không. Sau 2 năm thay đổi hình thức tổ chức lễ hội đền Sóc, niềm vui đã hiện hữu trên khuôn mặt của người dự hội và người trông coi lễ hội. Chính vì vậy, năm 2020, lễ hội đền Sóc sẽ tiếp tục không có màn tất lộc mà đổi thành phát lộc, như để báo hiệu niềm vui, phấn khởi và sự ôn hòa.
Từ mùng 2 Tết, mỗi ngày hàng vạn du khách hành hương về chùa Hương. Không gian của suối Yến, cổng Thiên Trù, động Hương Tích vì thế không thể tránh được đông đúc, tắc đò, tắc cáp. Trong khi trông chờ vào ý thức xếp hàng, giữ gìn không gian lễ hội, thì Ban tổ chức lễ hội chùa Hương vẫn phải sử dụng đến hàng trăm chiến sĩ công an, bảo vệ, lực lượng liên ngành để giữ yên trật tự. Giá vé đò, vé thắng cảnh được giữ nguyên như năm 2019, nhưng Ban tổ chức vẫn phải chuẩn bị phương án phòng bị, xử lý trường hợp tự nâng giá, vòi thêm tiền du khách của chủ đò. Tình trạng treo thịt sống, quảng cáo thịt thú rừng cũng phải được ngăn chặn bằng các biện pháp kiểm tra, giám sát.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, trong mùa lễ hội 2020, những vấn đề tiêu cực sẽ tiếp tục được hạn chế tối đa. Công tác cấp phép tổ chức lễ hội sẽ được siết chặt, những lễ hội phi truyền thống, lễ hội truyền thống do DN đứng ra tổ chức... sẽ không được cấp phép. Những lễ hội đã được tổ chức định kỳ mà nảy sinh vấn đề gây bức xúc trong dư luận sẽ được tham vấn ý kiến cộng đồng, các chuyên gia để lựa chọn hình thức phù hợp với đời sống văn hóa và xu thế thời đại. Những hành động phản cảm, tiêu cực, như tranh cướp lộc bạo lực, đốt vàng mã quá nhiều… cũng có các giải pháp chủ động, quyết liệt hơn để xóa bỏ.
Tất cả những điểm nóng của lễ hội Hà Nội đều đã được lên kịch bản ứng phó. Thế nhưng, hội là nơi đông người, ý thức tham gia lễ hội của người dân chưa hoàn toàn văn minh. Đâu đó vẫn còn hiện tượng tiền lẻ rải khắp các ban thờ, nhét cả vào tay tượng Phật hoặc dúi tiền cắm hương ở các gốc cây cổ thụ trong không gian di tích. Công tác tuyên truyền luôn được Hà Nội chú trọng để hy vọng mùa hội này văn minh hơn mùa hội trước. Với tinh thần kiên quyết chấn chỉnh, để mùa lễ hội 2020 hạn chế tối đa những hình ảnh chưa đẹp hoặc ứng xử kém văn minh, Hà Nội đang được kỳ vọng là địa phương có số lượng lễ hội lớn nhất cả nước (hơn 1.600 lễ hội) nhưng cũng sẽ an toàn và vui tươi cho toàn thể Nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần