Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 2018 đạt 6,4 - 6,8%

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Diễn đàn DN 2018: Thích ứng trong môi trường kinh tế đang biến đổi do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 7/12, cảm nhận của các diễn giả là năm 2018, các điều kiện để phát triển kinh tế tốt hơn rất nhiều.

Chưa bao giờ môi trường kinh doanh Việt Nam thông thoáng được cả hệ thống chính trị quan tâm như bây giờ.
Chính sách quyết liệt
Năm 2018, tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới dự báo cao hơn năm 2017, tạo thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế và xuất khẩu. Ngoài ra, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng cải thiện, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân, giúp thúc đẩy sản xuất trong nước và thương mại.
Chưa kể, những nỗ lực từ phía Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của DN, nhằm thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện triệt để và quyết liệt trong năm 2017 cũng sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018.  Kinh tế Việt Nam 2018 vì thế sẽ chuyển biến tích cực hơn. Đó là lý do để kỳ vọng, tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt mức cao hơn năm 2017, có thể trong khoảng 6,4 - 6,8%.

Sản xuất cánh tà máy bay Boeing tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng

Để thực hiện theo Nghị quyết T.Ư 5, đưa DN tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế, thời gian tới, Chính phủ đã và đang thực hiện các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Hàng loạt địa phương, bộ ngành hưởng ứng cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp…
Hội nhập, DN phải tự đứng vững
Kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới. Ở đó, các DN phải tuân theo các quy luật mang tính toàn cầu. Để khơi thông nguồn lực, vấn đề thể chế là quyết định, nhưng DN cũng phải tự mình vươn lên.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế T.Ư (CIEM) Phan Đức Hiếu cũng chỉ rõ “Thông điệp của Chính phủ rõ ràng,  DN kinh doanh thuận lợi, dễ dàng hơn nhưng mỗi DN tự ý thức trước sức ép cạnh tranh ngày một khốc liệt hơn khi hội nhập sâu rộng. DN nếu không thay đổi sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi.
Một khảo sát của CIEM cho thấy: Khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam đang đứng ở vị trí 113/128 quốc gia. Về khả năng hấp thụ công nghệ: Việt Nam đang xếp thứ 93/128 quốc gia. Phát minh sáng chế, xếp thứ 91/128 quốc gia. Khả năng sáng tạo các sản phẩm mới của Việt Nam đang kém xa các nước khác trên thế giới. DN trong nước vẫn hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành, dẫn tới hạn chế về khả năng cạnh tranh…
Ông Bùi Ngọc Sơn – Viện kinh tế và chính trị thế giới  lấy ví dụ, trong bối cảnh thay đổi của thương mại thế giới khi Mỹ bỏ lối chơi đa phương, các DN Việt muốn giữ được thị phần ở Mỹ thì phải nâng chuẩn của mình lên bởi vì ưu thế mặc cả tay đôi của Mỹ cao hơn trước, do đó, tiêu chuẩn để vào thị trường Mỹ cũng sẽ cao hơn. Đồng thời, các DN Việt Nam cần phải tự nâng kỷ luật kinh doanh nhằm tránh bị kiện tụng và/hay bị trừng phạt ở các thị trường quan trọng như Nhật Bản, EU,...” – ông Sơn nhấn mạnh.
Nói về tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chuyên gia Vũ Đình Ánh phân tích, năm 2017 thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất thế giới, nhiều khả năng VN Index tới 1000 điểm, tăng 50%. Điều này cho thấy, kênh huy động nguồn lực cho DN rất lớn, vấn đề là DN tiếp cận thế nào hoàn toàn phụ  thuộc vào đặc điểm riêng của từng DN. “Năm 2018, chắc chắn sự hỗ trợ cho DN của Nhà nước về vốn sẽ hơn rất nhiều nhưng sẽ theo thị trường chứ không thể xin cho” - ông Ánh nhấn mạnh.
Thông điệp ngắn gọn mà các chuyên gia muốn truyền tải đó là: DN phải bỏ thói kinh doanh dựa theo cảm tính, không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ mà bản thân DN cũng phải có những chiến lược nâng cao năng lực của mình. “Nhỏ nhưng phải chuyên nghiệp”, đây là điều mà các DN phải làm để tồn tại.