Kỳ vọng và trăn trở

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (5/9), tiếng trống khai trường năm học 2017 - 2018 sẽ vang lên trên khắp mọi miền của cả nước.

 Với biết bao thế hệ người Việt Nam, ngày khai trường luôn là thời khắc thiêng liêng với những cảm xúc khó tả. Nhưng giờ đây, những cảm xúc thiêng liêng ấy dường như đã nhạt nhòa, sự háo hức năm xưa không còn nguyên vẹn khi nhiều trường, trước ngày khai giảng, các em đã bắt nhịp với việc học từ lâu. Đặc biệt, với học sinh lớp 1, lần đầu tiên dự khai giảng nhưng hầu hết đã đọc thông viết thạo…
Dẫu có những điều người dân chưa hài lòng, nhưng mùa khai giảng năm nay, sẽ có những đổi mới so với trước, sẽ không còn những bài phát biểu dài dòng, trừu tượng, không còn những báo cáo thành tích lê thê, không còn nặng nghi lễ dành cho đại biểu hơn là cho học sinh.
Trong chặng đường đã qua, dù còn những hạn chế, bất cập, nhưng nhìn nhận công bằng, ngành giáo dục đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Trong thư chúc mừng nhân dịp khai giảng năm học 2017 – 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ngày càng đi vào chiều sâu, đúng định hướng; chất lượng giáo dục các cấp học được nâng cao. Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 được tổ chức nghiêm túc, có hiệu quả; các đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, được bạn bè quốc tế đánh giá cao…
Năm học mới, người dân, đặc biệt là hàng triệu phụ huynh kỳ vọng ngành giáo dục tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống, khắc phục những khó khăn, bất cập. Những kỳ vọng ấy có cơ sở, bởi suốt thời gian qua, ngành giáo dục đã và đang có những bước đổi mới căn bản, những quyết sách hợp lý, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục hiện đại. Trong đó chương trình quốc gia tổng thể về giáo dục và đào tạo, trọng tâm là chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dẫu còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng được cho là sẽ mang lại luồng gió mới, đầy sinh khí cho nền giáo dục nước nhà trong thời gian tới.
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, chúng ta có thể áp dụng nhiều chương trình đổi mới, có thể viết lại sách giáo khoa, mua giáo trình của nước ngoài… những điều đó cần nhưng chưa đủ. Chính đội ngũ thầy cô giáo mới là yếu tố quyết định chất lượng của một nền giáo dục. Nếu không “cải cách” được những người thầy thì cũng giống như trong ngành y tế, dù đủ máy móc tối tân hiện đại, đủ loại thuốc nhập ngoại chất lượng vẫn khó có được một kết quả điều trị tốt khi trình độ bác sĩ chưa tốt, lại thiếu tâm huyết huyết với nghề.
Quyết tâm của ngành giáo dục là nâng chất lượng đội ngũ giáo viên, nhưng tình trạng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, lương giáo viên không đủ sống, áp lực nhiều… hậu quả sẽ khó thu hút được nhân tài cho ngành sư phạm. Đây được coi là bài toán vô cùng nan giải trong tình hình hiện nay, cũng là nỗi trăn trở lớn nhất ở thềm năm học mới.