Kỳ vọng vào cuộc gặp Trump – Tập tại G20 giúp chứng khoán châu Á tăng mạnh

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thị trường châu Á khởi sắc trong phiên 27/6 khi các nhà đầu tư kỳ vọng cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G-20.

Tổng thống Trump hôm 26/6 nói rằng một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G-20 vào cuối tuần này, song cảnh báo ông đã sẵn sàng áp thuế quan mới với tất cả hành nhập khẩu Trung Quốc còn lại nếu đàm phán thất bại.
 Các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên 27/6.
Ông Trump cũng nêu ra khả năng ông có thể áp mức thuế thấp hơn, còn khoảng 10% đối với danh sách 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, thay vì mức thuế suất 25% được đề xuất trước đó.
Nhà đầu tư gia tăng hy vọng vào kết quả tích cực từ cuộc gặp Mỹ - Trumg sắp tới giúp thị trường cổ phiếu châu Á giao dịch khởi sắc.kỳ vọng trong phiên này. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,64%, trong khi chỉ số Topix cộng 0,81%.
Cổ phiếu của Japan Display - nhà cung cấp cho Apple, tăng vọt hơn 20% sau khi truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng gã khổng lồ công nghệ sẽ bơm 100 triệu USD vốn vào công ty này.
Cổ phiếu tại thị trường Trung Quốc Đại lục cũng chứng kiến ​​mức tăng trong phiên giao dịch, với chỉ số tổng hợp Thượng Hải tăng 0,46%, chỉ số chứng khoán Thâm Quyến nhích 0,83% và chỉ số tổng hợp Thâm Quyến cũng tăng 0,67%.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi phục hồi tăng 0,56%, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của Australia ổn định.
Tuy nhiên, nhà phân tích kinh tế Carlos Casanova tại Coface nhận định: “Chúng tôi thường chứng kiến những bình luận lạc quan này trước các sự kiện và tôi nghĩ mọi người đều hy vọng điều đó sẽ xảy ra. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy chính quyền Mỹ có thể muốn kéo dài thời gian áp đặt chính sách thuế mới với Trung Quốc, thậm chí trong trường hợp đạt được một thỏa thuận tại hội nghị G-20, chúng tôi không hy vọng thuế quan sẽ bị hủy bỏ chỉ sau một đêm”.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng lên mức 96,185 điểm sau khi giảm còn 96,0 điểm trong phiên trước đó.
Tại Mỹ, thị trường Phố Wall giao dịch trái chiều trong phiên ngày 26/6, với chỉ số S&P 500 giảm 0,1% xuống còn 2.913,78 điểm, Dow Jones hạ 11,40 điểm chốt phiên ở mức 26.536,82 điểm và chỉ số Nasdaq Composite lại tăng 0,3% chốt phiên ở mức 7.909,97.
Chỉ số S&P 500 giảm 4 phiên liên tiếp trong phiên giao dịch ngày 26/6 – chuỗi lao dốc dài nhất kể từ đầu tháng 5/2019 – khi nhà đầu tư chuẩn bị chờ tin từ cuộc họp quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, vào cuối tuần này.
Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong phần lớn phiên giao dịch sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, chia sẻ với CNBC rằng ông nghĩ Washington và Bắc Kinh đang tiến rất gần đến một thỏa thuận thương mại. Những nhận định của Bộ trưởng Mnuchin được đưa ra trước thềm cuộc gặp  giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhận Bản diễn ra vào cuối tuần này.
Tờ Bloomberg cũng đưa tin rằng Mỹ sẵn sàng hoãn áp thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khi 2 bên nối lại đàm phán thương mại. Ông Trump nói với Fox Business rằng một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung là điều có thể, nhưng lưu ý rằng ông “rất hài lòng với vị thế mà chúng ta đang đứng hiện nay”.
 Chứng khoán Mỹ diễn biến trái  chiều trong ngày 26/6.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã bị đình trệ từ tháng trước sau khi Mỹ nâng thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã trả đũa bằng cách áp thuế quan đối với hàng Mỹ. Kỳ vọng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sớm giải quyết tranh chấp thương mại gia tăng vào tháng 6 sau khi ông Trump cho biết ông và ông Tập đồng ý có cuộc gặp bên thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall ghi nhận phiên tồi tệ nhất từ đầu tháng 6 đến nay trong ngày 25/6 sau những nhận định từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đó, Chủ tịch FED Jerome Powell ngày 25/6 cho biết, Cơ quan này đang đánh giá xem liệu nền kinh tế Mỹ hiện nay có đòi hỏi phải hạ lãi suất hay không. Tuy nhiên, ông Powell cũng lưu ý FED sẽ vẫn kiên nhận chờ đợi những thay đổi kinh tế gần đây diễn ra nhanh chóng như thế nào.
Bên cạnh đó, James Bullard - Chủ tịch FED tại St. Louis, đã dội gáo nước lạnh vào ý tưởng hạ nửa điểm lãi suất trước khi những nhận định của ông Powell đưa ra trong ngày 25/6.
Giới đầu tư đang kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản trong tháng 7 tới. Những kỳ vọng này đã giúp hỗ trợ các chỉ số chứng khoán chính trong tháng này. Dow Jones và Nasdaq Composite đều tăng vọt hơn 6%, còn S&P 500 nhích 5,9% trong tháng 6./.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần