Kỳ vọng vào gói cứu trợ khổng lồ của Nhà Trắng, giá dầu leo dốc lên hơn 28 USD

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu bật tăng mạnh nhờ thị trường hy vọng rằng Mỹ sẽ sớm đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ lên tới hàng ngàn tỷ USD để đối phó với dịch Covid-19.

Giá “vàng đen” tăng 5% trong phiên giao dịch ngày 24/3 lên hơn mức 28 USD/thùng trong bối cảnh thị trường được hỗ trợ tích cực thông tin mua trái phiếu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và kỳ vọng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ sớm đạt được thỏa thuận về gói hỗ trợ đối phó dịch Covid-19 trị giá 2 nghìn tỷ USD.
Giá dầu tăng hơn 5% trong phiên giao dịch ngày 24/3.
Ngày 23/3, FED đã tung ra một loạt chương trình đặc biệt để hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới đủ “sức khỏe” chống đỡ những áp lực từ sự bùng phát của dịch Covid-19.
Trong khi gói kích thích kinh tế trị giá hơn 1.000 tỷ USD đang gặp khó tại Thượng viện Mỹ hôm 23/3, khi các nhà lập pháp cố gắng đạt được các điều khoản, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bày tỏ sự tin tưởng rằng các bên sẽ sớm đạt được thỏa thuận về gói viện trợ.
Nếu được thông qua, gói kích thích trên dự kiến sẽ đẩy giá đồng USD xuống thấp hơn vì nó sẽ làm tăng nguồn cung tiền mặt. Đồng bạc xanh suy yếu sẽ giúp thúc đẩy giá dầu vì giá dầu được định giá bằng đồng USD.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,44 USD/thùng, tương đương 5,3%, lên 28,47 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này trong phiên giữa tuần trước  đã giảm mạnh về còn 24,52 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ năm 2003.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng cộng 1,26 USD, tương đương 5,4%, lên mức 24,62 USD/thùng.
Nhà phân tích thị  trường cấp cao Edward Moya của công ty OANDA cho rằng đà phục hồi của giá dầu trong phiên giao dịch hôm nay chủ yếu nhờ đồng USD suy yếu và tuyên bố mua trái phiếu lớn chưa từng có của FED.
Tuy nhiên, giá dầu hiện đã lao dốc hơn 50% tính từ đầu năm đến nay do chịu tác động kép từ sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh thất bại trong đàm phán thỏa thuận cắt giảm nguồn cung.
Trước đó, hồi đầu tháng này, OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm hạn chế tình trạng dư cung trên thị trường. Moscow từ chối tham gia thỏa thuận cắt giảm sản xuất dầu cùng OPEC, đáp trả lại Ả Rập Saudi – nhà lãnh đạo thực tế của liên minh, tuyên bố tăng tối đa sản lượng từ tháng 4 tới.
Các nguồn tin gần gũi tiết lộ với Reuters hôm 23/3 cho biết Ả Rập Saudi hiện có kế hoạch tăng cường xuất khẩu dầu mỏ từ tháng tới.
Trong khi đó, lượng tồn kho dầu thô của Mỹ được dự báo sẽ tăng trong tuần thứ 9 liên tiếp.
Ngoài ra, triển vọng nhu cầu nhiên liệu nói chung vẫn thấp nếu quy  định hạn chế đi lại vẫn còn hiệu lực và các chính phủ giảm bớt các hoạt động thương mại để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần