Kỳ vọng với Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai: Chuyện con gà - quả trứng

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những kỳ vọng về kết quả cuộc gặp thứ 2 của hai nhà lãnh đạo Trump - Kim liệu có đạt được trong Hội nghị tại Hà Nội?

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên trên bàn ký kết tuyên bố chung hồi tháng 6/2018 tại Singapore. 
Thách thức dư âm từ Singapore
Theo các chuyên gia, tuyên bố chung gồm 4 điều khoản đạt được từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên diễn ra tại Singapore dường như chưa thể làm thỏa mãn mong đợi của quốc tế về một sự đảm bảo đối với tương lai hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Điều này càng khiến áp lực gia tăng với Thượng đỉnh ngày 27-28/2 tại Hà Nội, đòi hỏi những thỏa thuận cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng, thậm chí là khả năng cho một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
"Đây là câu chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước", Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) ví von khi nói về những bế tắc hiện tại đối với một thỏa thuận. Thách thức đặt ra lúc này là việc Triều Tiên kêu gọi những nhượng bộ tương ứng từ Mỹ để thực hiện lời hứa phi hạt nhân hóa hoàn toàn, được chính Chủ tịch Kim Jong-un công khai khẳng định không dưới hai lần; trong khi Washington một mực duy trì lập trường cứng rắn với Bình Nhưỡng thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế, cho đến khi có thể kiểm chứng sự hủy bỏ chương trình hạt nhân của Bắc Triều là "không thể đảo ngược".
Tình hình hiện nay rõ ràng không phải là mong muốn của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên, khi sự bế tắc đã kìm hãm gần như mọi nỗ lực mở cửa nền kinh tế nhằm thu hút đầu tư thương mại của Triều Tiên, đặc biệt là với Hàn Quốc hay Trung Quốc. Chính quyền ông Trump cũng đối mặt với những sức ép và chỉ trích từ Đảng Dân chủ đối lập về sự nhân nhượng trong giải quyết các đe dọa từ hạt nhân Triều Tiên sau Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 năm ngoái tại Singapore.
Ông Trump "nhìn xa"
Cũng xuất phát từ đặc điểm chính trị nội bộ nước Mỹ, TS Võ Trí Thành dự đoán một thỏa thuận mang tính tạm thời sẽ được đưa ra tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, tạo tiền đề cho các cuộc gặp sau đó giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim. Cùng nhận định này, Giáo sư Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế đối ngoại đồng thời là thành viên Đảng Cộng hòa Mỹ hơn 30 năm, lý giải rằng đây có thể là "chiến thuật" lâu dài nhằm hướng tới cuộc bầu cử Tổng thống 2020 của ông Trump. Lịch sử các đời Tổng thống Mỹ đã chứng minh sự tồn tại của những “đòn bẩy” dành riêng cho kỳ vận động tranh cử/tái tranh cử, mà trong trường hợp của Tổng thống Trump vào năm 2020 rất có thể là một cái kết đẹp nơi bán đảo Triều Tiên ngay thời điểm cận kề, nhằm đạt được những lá phiếu từ cử tri Mỹ yêu chuộng hòa bình.
Điều này, nếu thực sự xảy ra trong tương lai, thì kết quả Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra trong hôm nay và ngày mai vẫn còn là cả một câu chuyện dài ở phía trước. Bản thân ông Trump trước thềm chuyến đi tới Hà Nội cho cuộc gặp với ông Kim cũng đã khẳng định đây chưa phải là lần cuối cùng.
Việt Nam cần "chơi lớn"
Khả năng những cuộc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 3, thứ 4… có thể diễn ra đang mang tới cơ hội cho những quốc gia trung lập đề cao giá trị hòa bình, trong đó có Việt Nam, để trở thành địa điểm đáng tin cậy diễn ra sự kiện. Tiến sĩ Nguyễn Đình Luân đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế dẫn ví dụ về Geneva, Paris… - những nơi được chọn là địa điểm tổ chức các hội nghị cấp cao thường niên, khi từng chứng kiến những hiệp ước hòa bình quan trọng trong lịch sử - để khẳng định về tiềm năng của Hà Nội trong việc trở thành biểu tượng cho sự kết nối vì hòa bình, đặc biệt là sau việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.
Những khó khăn và thách thức đối với tham vọng đó là không nhỏ, nhưng hơn tất thảy, "giống như sự kiện APEC thành công tốt đẹp hồi 2017, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang dần bước đến những sân chơi lớn trong khu vực và trên thế giới, dần khẳng định khả năng và vai trò của chính mình với quốc tế" - TS Võ Trí Thành đánh giá.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần