Lá Phá Hom - phong vị ẩm thực ngày Tết của đồng bào dân tộc Dao

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày đầu Xuân năm mới, tìm về vùng dân tộc miền núi huyện Ba Vì (TP Hà Nội), chúng tôi có dịp thưởng thức phong vị ẩm thực đặc biệt của đồng bào người Dao nơi đây.

Con đường ngoằn nghèo được bê tông hóa khang trang, rộng đẹp dẫn chúng tôi về với xã Ba Vì (huyện Ba Vì). Ven đường, hoa Xuân nở thắm. Đám trẻ nhỏ vui nô đùa trước thềm nhà, túm tụm cười khúc khích khi chúng tôi giơ máy ảnh lên toàn chụp.
Nằm ven Vườn Quốc gia Ba Vì, nơi đây tập trung phần lớn đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn Thủ đô, còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo riêng có. Đã có đôi lần đến với vùng đất xa trung tâm Thủ đô, nhưng cảm giác vui Xuân truyền thống của đồng bào nơi đây không có nhiều đổi thay. 
Ông Lý Sinh Phủ bên vườn lá Phá Hom
Một trong nét độc đáo nhất phải kể tới đó là đặc sản “cỗ lá” trong những ngày đầu Xuân năm mới. Ông Triệu Phú Thành - một người có uy tín thôn Hợp Sơn (xã Ba Vì) cho biết, mâm “cỗ lá” đầy đủ thường có: Thịt lợn, thịt gà (luộc, nướng); nem rán; rau củ quả luộc; rau ăn kèm (hay còn gọi là rau sống); bánh Dày… 
So với mâm cỗ của người dân các địa phương khu vực miền xuôi, những món chính không có nhiều khác biệt. Đặc trưng của mâm cỗ nằm ở bánh Dày và món rau gém ăn kèm. Theo chia sẻ của đồng bào dân tộc, bánh Dày được giã bằng cối đá từ xôi nếp. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc Dao nơi đây còn trộn thêm cả hạt vừng, đậu xanh, hoặc thịt quả gấc để tạo hương thơm, mùi vị khác lạ cho bánh Dày.
Nhưng “lạ miệng” hơn phải kể tới món rau ăn kèm từ thân chuối non, với thành phần có lá Phá Hom có mùi, vị đặc trưng. Loại lá ăn kèm này có thể hiểu là một loại “rau sống” ở miền xuôi, nhưng mùi, vị lại không lẫn với bất cứ loại rau gia vị nào ở miền xuôi. 
Ông Lý Sinh Phủ, người đã gắn bó gần cả cuộc đời ở vùng núi ven Vườn Quốc gia Ba Vì cho hay, lá Phá Hom được tìm thấy tại những nơi có dòng nước chảy rầm rì quanh năm và khí hậu mát mẻ, ít chịu ánh nắng trực tiếp. Chính bởi vậy, loại lá ăn kèm này gần như không tìm thấy ở miền xuôi. 
“Trước đây, lá Phá Hom chỉ được tìm thấy ở những vách đá cao, thoai thoải và có dòng nước suối chảy từ trên cao xuống. Nay, một số hộ dân tộc Dao đã mang loại lá này xuống trồng tại vườn nhà. Dù vậy, số lượng cũng không nhiều và chất lượng cũng thua xa so với lá Phá Hom được tìm thấy trong tự nhiên...” - ông Phủ cho hay. 
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đồng bào dân tộc Dao ở vùng núi huyện Ba Vì vẫn lưu giữ Tết Tạ ơn như một nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng không thể thiếu. Ở nơi đó, mâm cỗ lá giống như một món quà dành tặng bạn bè, người thân và cả du khách thập phương khi đến với nơi đây trong những ngày đầu Xuân năm mới. Để rồi khi trở về với phố thị, lòng lại bồi hồi thương nhớ mảnh đất, con người và nét ẩm thực riêng có nơi miền sơn cước.