Lá phiếu đánh giá để tư lệnh ngành thấy bức xúc, khó khăn cần giải quyết

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 25/10, trao đổi về kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ, việc lấy phiếu tín nhiệm là hình thức giám sát tối cao, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Lá phiếu đó chỉ cho tư lệnh ngành thấy nhũng nhạy cảm, khó khăn, thiếu sót, tồn tại mà giải quyết chưa dứt điểm thì tư lệnh ngành phải tập trung xử lý.

Nguồn động lực để khắc phục hạn chế

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, kết quả tốt trong phần tín nhiệm cao, tín nhiệm là nguồn động lực, động viên, giúp cho 48 thành viên được lấy phiếu có thêm động lực, đặc biệt là có đánh giá một cách đầy đủ về mình, phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt hạn chế, đạt được sự hài lòng của người dân, của các đại biểu Quốc hội ngày càng cao trong thời gian tới. Với cá nhân, đây là kết quả để giúp tôi căn cứ vào đó, đối với vấn đề còn chưa tín nhiệm, hoặc còn tín nhiệm thấp, thì phải tiếp tục cố gắng nỗ lực, phấn đấu trong thời gian tới.
 Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải
Công tác dân nguyện, việc giám sát của Quốc hội với các cơ quan lập pháp đều luôn luôn có sự va chạm. Quan trọng giám sát làm sao cho các lĩnh vực mà mình giám sát ngày càng tốt hơn. Trước đây, các kiến nghị còn tồn đọng rất nhiều. Qua sự thẳng thắn của Ủy ban Tthường vụ Quốc hội, mà Ban dân nguyện chúng tôi là cơ quan giúp việc, thì thấy rằng kết quả đã được tăng lên, được 63/63 đoàn Quốc hội nhận xét qua phiếu đánh giá về sự nỗ lực, chuyển biến rõ nét trong giải quyết kiến nghị. Đây là sự động viên tới chúng tôi, dù trong quá trình làm có sự va chạm. Nhưng va chạm làm cho mọi việc tốt lên, là động lực cho chúng tôi tiếp tục công việc, làm sao đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Lấy sự hài lòng của cử tri là thước đo cho sự cố gắng của mình.
Lá phiếu nhắc nhở bộ trưởng về các vấn đề của ngành

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cơ bản là khách quan, thể hiện được tâm tư nguyện vọng của cử tri về những bức xúc về một số lĩnh vực đang có vấn đề dư luận, như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ trong nhân dân của ngành y tế, hay BOT của ngành Giao thông. Tuy nhiên, có những cái cần nhìn nhận rằng khó khăn tồn tại không nhất thiết hoàn toàn là trách nhiệm của tư lệnh ngành. Kết quả lấy phiếu cả với Quốc hội và Chính phủ đều thấy vấn đề cần tập trung giải quyết và lá phiếu đánh giá để tư lệnh ngành thấy bức xúc, khó khăn cần giải quyết.
 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi bày tỏ chia sẻ với các Bộ trưởng vì thời gian mới 2,5 năm trong khi có những tồn tại từ nhiệm kỳ trước và có vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Y tế trước đây có bức xúc nhưng giờ chăm sóc sức khoẻ nhân dân,  thông tuyến, giảm tải cũng có tác động nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân thì đại biểu phản ánh để thúc đẩy tư lệnh ngành cố gắng hơn nữa. Quốc hội và Chính phủ phải quan tâm hơn vì muốn làm phải có ngân sách, Chính phủ chỉ đạo và sự phối kết hợp giữa các bộ ngành cần tăng cường lên chứ không phải mình bộ đó.

Việc lấy phiếu tín nhiệm là hình thức giám sát tối cao, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Lá phiếu đó không phải nói Bộ trưởng yếu kém mà phải nhìn nhận ngành đó được cả xã hội phải quan tâm. Lá phiếu đó chỉ cho tư lệnh ngành thấy những lĩnh vực nhạy cảm, khó khăn, thiếu sót, tồn tại mà giải quyết chưa dứt điểm thì tư lệnh ngành phải tập trung xử lý. Thực tế cho thấy, đã có người đứng đầu ngành trong lần lấy phiếu tín nhiệm lần đầu thấp, song lần sau lại cao. Không nên đánh giá quá mức nhưng cũng không nên xem nhẹ kết quả lấy phiếu tín nhiệm vì nó đáng được quan tâm để thúc đẩy phát triển xã hội. Phiếu thấp hơn người ta có thể cảm thấy buồn, nhưng tôi chia sẻ với Bộ trưởng, coi đây là trọng trách giao Bộ trưởng cố gắng khắc phục.

Kết quả khách quan

Theo Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Quốc hội tỉnh Hải Dương), nhìn tổng thể kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh tôi thấy Quốc hội làm khách quan, công tâm. Có những ngành, Quốc hội xem xét với tính toàn diện và sâu sát cho nên họ đưa lên ở mức trung bình khá. Ví dụ như y tế là trung bình khá chứ không phải trung bình, đó là cái xã hội nhìn nhận và đại biểu nhìn nhận, tức là chịu áp lực nhiều nhất và bản thân bộ trưởng đã cố gắng và được nhìn nhận. Đó là khách quan.

Với y tế, giáo dục và giao thông, trong điều kiện hiện nay để tìm ra một bộ trưởng để làm xuất sắc các lĩnh vực này rất khó. Cho nên trải qua nhiều thử thách, phải có nhiều kinh nghiệm, có trình độ nhất định nào đó mới có thể làm tốt ở những vị trí này. Cái ghế đó là ghế khó vì tất cả mọi thứ đều liên quan đến xã hội, trực tiếp đến cuộc sống, đời sống của người dân. Thứ hai là liên quan quyền lợi của người dân trong đó rất là sát sườn.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội): Chia sẻ với các bộ trưởng

Tôi chia sẻ với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ GTVT. Bộ GD&ĐT đã nỗ lực nhưng kết quả đạt được chưa thật sự rõ rệt trong nửa nhiệm kỳ vừa qua. Chúng ta có thể thấy được rất rõ trong lĩnh vực giáo dục có rất nhiều khó khăn, có những vấn đề không phải một nhiệm kỳ mà đã trải qua nhiều nhiệm kỳ, để thay đổi được cần thời gian. Cũng thấy được rất rõ, hầu hết công việc Bộ trưởng GD-ĐT đang giải quyết thời gian qua chỉ mang tính sự vụ; vấn đề chiến lược, xoay chuyển tình hình chưa có. Nên tôi thấy lá phiếu ở Quốc hội hôm nay đã thể hiện rất rõ việc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần