Lạc quan dòng vốn FDI vào Việt Nam

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi kinh tế thế giới và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đang suy giảm, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn ghi nhận những diễn biến tích cực. Trong bối cảnh dịch Covid-19, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu đang mở ra bước ngoặt mới cho Việt Nam.

Thêm hàng tỷ USD có thể sắp vào Việt Nam
Ngày 8/9 vừa qua, tập đoàn Samsung của Hàn Quốc cho hay sẽ chuyển dây chuyền sản xuất tivi từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đại diện Samsung khẳng định, việc dịch chuyển một phần nhà máy tivi sang Việt Nam sẽ giúp hoạt động sản xuất toàn cầu của hãng trở nên hiệu quả hơn.

Đáng chú ý, tại Diễn đàn DN TP Hồ Chí Minh - Mỹ tổ chức mới đây, ông Kim Huat Ooi - Tổng giám đốc Intel Việt Nam, cho hay tập đoàn này đã đầu tư vào Việt Nam hơn 1 tỷ USD và tạo ra hơn 5.000 việc làm sau gần 15 năm có mặt tại nước ta. Google, HP và Dell đều đã di dời nhà máy sản xuất laptop sang Đài Loan (Trung Quốc) hay đến các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. LG của Hàn Quốc cũng chuyển sản xuất dòng điện thoại thông minh của mình sang Hải Phòng.
 Dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng cao trong thời gian qua. Ảnh: Chiến Công
Thống kê sơ bộ cho thấy, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng. Số dự án đăng ký mới tăng bình quân 6%, số dự án đăng ký tăng thêm tăng 22,2%. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đỗ Nhất Hoàng nhận định, đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Đặc biệt, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài thông tin nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang đàm phán để đổ vốn đầu tư vào Việt Nam lên đến con số hàng tỷ USD. “Đây toàn là những tập đoàn lớn sẽ đầu tư vào Việt Nam với các dự án từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD trong giai đoạn tới” - ông Hoàng nói.
Nhận định của Bộ KH&ĐT hoàn toàn có cơ sở khi tháng 8, dự án tổ hợp hóa dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu của NĐT Thái Lan đã được điều chỉnh tăng thêm 1,386 tỷ USD. Dự án Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây của do Hàn Quốc dầu tư đã điều chỉnh tăng vốn thêm 774 triệu USD. Dự án công trình văn phòng tại 29 Liễu Giai của Singapore điều chỉnh tăng thêm 246 triệu USD. Chỉ 3 dự án tăng vốn đầu tư này đã chiếm 50% tổng vốn tăng thêm từ đầu năm đến nay.

Các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng gì về Việt Nam?

Mới đây, tại Diễn đàn DN Standard Chartered - ASEAN 2020, Ngân hàng Standard Chartered đã có một khảo sát với lãnh đạo các DN và tổ chức từ châu Á, Trung Đông, châu Âu và Mỹ với câu hỏi: “Quan tâm đến quốc gia ASEAN nào nhất khi muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình”. Kết quả Việt Nam đứng đầu với tỉ lệ 38,5%, bỏ xa vị trí thứ 2 là Indonesia với 21,7%. Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia thu hút nhiều vốn FDI nhất tại Đông Nam Á với kinh tế phát triển nhanh, chính trị ổn định, dân số trẻ và chi phí nhân công cạnh tranh. Việt Nam cũng đang tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với những biện pháp phòng chống Covid-19 tích cực và hiệu quả. Ông Nirukt Sapru - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á chia sẻ, nhiều công ty khởi nghiệp và các tập đoàn đa quốc gia đã thiết lập hoạt động tại Việt Nam nhằm tận dụng khoảng cách địa lý gần và khả năng kết nối với ASEAN để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Theo Giám đốc Công ty Marubeni Việt Nam Sagara Hirohide, với lợi thế bờ biển dài và hệ thống cảng biển, Việt Nam đóng vai trò rất lớn trong hệ thống vận tải biển quốc tế. Đây là điều mà các DN Nhật Bản rất chú ý khi tính toán phương án mở rộng chuỗi cung ứng, trong đó có cả những DN quy mô sản xuất rất lớn, như Tập đoàn Hoya, Tập đoàn Matsuoka, Công ty TNHH Meiko, Công ty TNHH Nikkiso…

Tổng giám đốc Intel Việt Nam Kim Huat Ooi cho hay, dù có lợi thế về tốc độ tăng trưởng nhưng để thu hút FDI hiệu quả hơn Việt Nam cần chú trọng nhiều đến cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng tính kết nối như cảng biển, chất lượng giao thông, phát triển các cụm công nghiệp tại địa phương. Cụ thể, chú trọng hoàn thiện cao tốc Bắc - Nam, cảng biển, chất lượng giao thông, phát triển các cụm công nghiệp tại địa phương...

Hành động nhanh và mạnh hơn

Trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực gia tăng áp lực cạnh tranh thu hút FDI, để chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư FDI thế hệ mới, có chất lượng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề nghị: Chính phủ giao các bộ, ngành phối hợp VCCI, các địa phương và cộng đồng DN triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ họ tìm đến với mình.
Còn theo ông Nguyễn Anh Dương - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), muốn thu hút FDI hiệu quả, có chọn lọc, việc Việt Nam chủ động đưa ra, áp dụng các tiêu chuẩn chọn lọc là rất quan trọng. Bởi sau 30 năm thu hút FDI, điều Việt Nam cần nhất từ nhà đầu tư nước ngoài không phải vốn, mà là hợp tác nâng cao năng lực và kết nối với DN trong nước, chuyển giao công nghệ.
“Chính lúc này, rất cần một Chính phủ kiến tạo phát triển. Nghị quyết số 50-NQ/TW được xem là chính sách đột phá trong thu hút FDI có chất lượng của Việt Nam, nhưng mục tiêu thu hút các dự án FDI công nghệ cao, xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo quy mô lớn và nguồn nhân lực cao sẵn sàng” - Trưởng ban Pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn đánh giá.

Để không bị động trong cuộc cạnh tranh thu hút làn sóng FDI dịch chuyển, Bộ KH&ĐT đã nghiên cứu chính sách ưu đãi của nhiều nước xem họ đang làm gì, từ đó Việt Nam tìm ra giải pháp cạnh tranh hơn. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang có nhiều hành động nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư như: Chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất, mặt bằng, nhà xưởng, năng lượng, xây dựng các gói ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao... Đi kèm với đó, Việt Nam cũng nỗ lực chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực có chất lượng, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật vào Việt Nam làm việc...

"Sau Hiệp định CPTPP, việc Việt Nam tham gia ký kết EVFTA góp phần thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi với một số nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Đặc biệt, Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là quốc gia đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với EU. Việt Nam có rất nhiều cơ hội để đón đầu sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư" - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á - ông Nirukt Sapru


"Cơ hội không chỉ dành riêng cho Việt Nam, mà còn cho cả Ấn Độ, Indonesia..., các nước dành ưu tiên và có mục tiêu rõ ràng. Nếu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà nhà đầu tư phải mang hết các thứ từ Trung Quốc và các nguồn khác vào thì Việt Nam không đủ hấp dẫn có thể giữ chân DN nước ngoài lâu. Nếu đã có Nghị quyết 50 về thu hút mà vẫn từ từ, hành động thủng thẳng thì Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội hàng trăm năm mới có khi các nhà đầu tư sôi sục dịch chuyển sản xuất" - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần