Lạc quan dòng vốn Mỹ vào Việt Nam

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, không chỉ tăng mạnh về số lượng, quan hệ thương mại Việt - Mỹ cũng đang ngày càng hướng tới sự hài hòa và bền vững hơn. Việt Nam từng có 4 làn sóng đầu tư từ Mỹ kể từ năm 1991 đến nay và giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng đón làn sóng tiếp theo lớn hơn và chất lượng hơn, đúng với vị thế “số 1” của các nhà đầu tư (NĐT) đến từ Mỹ.

Tăng cường hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Mỹ
Theo số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT, tính đến nay, Mỹ đứng thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 1.000 dự án đầu tư còn hiệu lực, luỹ kế tổng vốn đầu tư đăng ký gần 10 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quản lý, chuyên gia, con số thực có thể lên tới 14 - 15 tỷ USD do một số công ty lớn như Intel, Coca Cola, Procter & Gamble, Chevron, ConocoPhillips,… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng ký tại quốc gia, vùng lãnh thổ thứ ba như British Virgin Islands (Anh), Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)... Ngoài ra, một số tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Google, Dell... đều đầu tư vào Việt Nam thông qua các DN sản xuất ODM/OEM thuộc chuỗi cung ứng của mình.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chung và từ Mỹ nói riêng đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 2,62% trong quý III, và 2,12% trong 9 tháng đầu năm 2020. Con số này là hết sức ấn tượng trong bối cảnh các nước ASEAN hay các nền kinh tế lớn khác trong khu vực đều tăng trưởng âm.
 Hoạt động sản xuất tại Nhà máy General Electric tại Hải Phòng. Ảnh: Lê Sáng
Đến nay, mặc dù cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chưa có kết quả cuối cùng nhưng hầu hết hãng truyền thông lớn đều đã đưa tin ông Joe Biden giành chiến thắng. Dưới thời Joe Biden, nhiều chuyên gia kỳ vọng Mỹ quay lại TPP (nay là CTTPP) và các chính sách thương mại, đầu tư với Việt Nam sẽ vẫn duy trì…

Việt Nam là quốc gia có diện tích, dân số lớn, vị trí cửa ngõ đi vào châu Á từ Thái Bình Dương và gần đây trở thành tâm điểm chú ý trong chính sách của các nước, trong đó có Mỹ. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do khác sẽ tạo điều kiện thuận lợi và tạo thế cạnh tranh hơn cho các NĐT nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có các DN Mỹ. “Như vậy, Việt Nam vẫn có nhiều điều kiện để có thể thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao" - ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright nói.

"Từ thời Tổng thống Obama, hướng xoay trục của Mỹ là từ Đông Tây Dương sang Châu Á- Thái Bình Dương và điều đó không thay đổi tới nay. Vì thế, Việt Nam luôn có vai trò quan trọng trong trật tự mới này" - TS Nguyễn Đức Thành bình luận.

Chọn lọc thế nào cho dòng vốn chất lượng cao?

Dòng vốn đầu tư của Mỹ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như kinh doanh dịch vụ khách sạn và ăn uống (chiếm 46% tổng vốn đầu tư); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 31% tổng vốn đầu tư). Các DN đến từ Mỹ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam, đặc biệt ở những lĩnh vực được cho là hứa hẹn như bán lẻ, hàng hóa tiêu dùng, đồ ăn nhanh, trong những lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, máy tính... Các lĩnh vực mà DN Mỹ muốn đầu tư tập trung vào năng lượng tái tạo, nông nghiệp, hạ tầng, y tế, giáo dục...

Trước đây, Việt Nam đã thu hút hàng loạt tên tuổi lớn của Mỹ như Intel, Microsoft, Jabil, Microchip, IBM, P&G, Coca-Cola, PepsiCo. Tiếp sau đó, các tập đoàn Boeing, Chevron, AIG, Exxon Mobil, General Electric (GE)... cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Gần đây, nhiều thông tin cho thấy Việt Nam tiếp tục thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ. Đại diện US-ABC cũng cho biết, hiện nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon đã có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam, có thể bằng hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua bên thứ 3. Đây là lĩnh vực mà các DN Việt Nam có cơ hội trở thành nhà cung cấp.

Bên cạnh đó, FDI của Mỹ tập trung vào lĩnh vực vốn, ngành nghề kỹ năng chuyên sâu. Các NĐT Mỹ có xu hướng đầu tư theo hình thức 100% vốn là chủ yếu, tiếp đến là hình thức liên doanh và cuối cùng là hình thức đầu tư Hợp đồng hợp tác kinh doanh và không có bất kỳ dự án nào theo hình thức BOT. Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có thể sẽ mở đường cho sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ vào Việt Nam. Đa số các dự án đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tập trung ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - những nơi có kết cấu hạ tầng và dịch vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, các dự án cũng tập trung nhiều ở các khu công nghiệp như khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương. TP. Hồ Chí Minh chiếm tới 40% FDI của Mỹ vào Việt Nam trong các ngành phi dầu mỏ.

Theo PGS, TS. Phạm Thị Thanh Bình - Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Mỹ là nơi tập trung nhiều tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs), có thế mạnh về tài chính và công nghệ hiện đại, mạng lưới thị trường quốc tế và kỹ năng quản trị kinh doanh tốt. Các thế mạnh của Mỹ một khi được kết hợp với các lợi thế của Việt Nam sẽ mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho cả đôi bên. Việt Nam chủ trương hướng mạnh vào việc tiếp cận và thu hút đầu tư từ các TNCs của Mỹ theo hai hướng: thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao hướng vào xuất khẩu, y tế; tạo điều kiện để một số TNCs xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển vườn ươm công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực.

“Việt Nam có thể tận dụng các khoản đầu tư của Mỹ vào những ngành, lĩnh vực đặc biệt đang cần để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đó là những ngành công nghệ cao có thể đem lại giá trị sản xuất cao hơn, chuyển giao các công nghệ quan trọng trong chiến lược phát triển khoa học, kỹ thuật của Việt Nam”- PGS, TS. Phạm Thị Thanh Bình nói.

Đòi hỏi phải thay đổi

Theo chuyên gia Trần Thanh Hải, do sự bất ổn định trong quan hệ giữa Mỹ và EU, và Trung Quốc, các DN Mỹ đang ngày càng hướng sang khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể cũng sẽ được ông Biden xử lý một cách ôn hòa, nhẹ nhàng hơn so với thời ông Trump. Việc ông Biden có thể không chơi cứng rắn với Trung Quốc như ông Trump sẽ làm căng thẳng Mỹ - Trung giảm. Điều này cũng có nghĩa lúc đó chúng ta đón làn sóng đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam bớt đi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải cạnh tranh thu hút đầu tư với nhiều nước trong khu vực như Ấn Độ, các nước ASEAN…

Việt Nam có thế mạnh là nguồn nhân lực, do vậy trong một thập niên tới cần phải đầu tư mạnh mẽ cho thế mạnh này. Vì có những ngành như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) không cần nhiều tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng mà chỉ cần con người giỏi.

Cựu Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa nhấn mạnh, các NĐT Mỹ coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn không chỉ bởi các con số tăng trưởng, mà bởi Việt Nam đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh và ban hành nghị định, thông tư liên quan để tạo cơ sở pháp lý cho phương thức đầu tư hợp tác công tư (PPP), đầu tư xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). Do đó, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện những cải cách quan trọng để loại bỏ những hạn chế về cơ cấu nền kinh tế, góp phần phục hồi nhanh khả năng cạnh tranh.

Trong chính sách thu hút đầu tư “đại bàng”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định, để thu hút được các tập đoàn, NĐT lớn, có công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng giá trị, thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Một trong số đó là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, làm sao có được “chính sách ổn định, minh bạch và dễ tiên lượng”. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị tốt các điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở. Ngoài ra, cần lựa chọn được các dự án có sức lan tỏa, gắn kết, tạo cơ hội cho các DN Việt Nam trong chuỗi công nghiệp hỗ trợ…

"Các công ty Mỹ rất chú trọng cân nhắc về khuôn khổ pháp lý, chi phí để tuân thủ các điều kiện, đặc biệt là mức độ nhất quán giữa các luật lệ, quy định, kèm các ưu đãi về thuế và đất đai... và một số quan ngại như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tính minh bạch, sự thay đổi thường xuyên của hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư. Trong chính sách thu hút đầu tư, Việt Nam cần có chính sách và cơ chế rõ ràng trong việc tiếp nhận những dòng vốn từ nước ngoài. " - TS Nguyễn Trí Hiếu