Lạc vào thiên đường đá xám

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến với Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), du khách sẽ ngỡ như lạc vào thiên đường đá xám với những vườn đá, rừng đá, hoang mạc đá mang vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ.

Hoang mạc đá tại xã Pải Lủng, Đồng Văn. 	Ảnh: Hà Chi
Hoang mạc đá tại xã Pải Lủng, Đồng Văn. Ảnh: Hà Chi
Đến xứ sở hoa tam giác mạch, nếu không khám phá Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được UNESCO công nhận, hẳn sẽ là một thiếu sót lớn. Nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích gần 2.356km2 trải dài qua 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Trí tò mò của du khách sẽ bị kích thích ngay khi bắt gặp rừng đá màu đen xám hoang hóa với đủ hình thù to nhỏ xếp chồng chéo tại Lũng Táo. Điều cuốn hút ở nơi đây có lẽ là sức sống mãnh liệt của những thân ngô xanh mướt mọc lên từ chính các… hốc đá. Kế đến, du khách sẽ bị hút hồn bởi những phiến đá nằm san sát, cùng hướng với nhau như một đàn sư tử biển đang tắm nắng tại bãi đá Hải Cẩu thuộc xã Vần Chải. Trong khi đó, “Bãi đá mặt trăng” tại xã Sà Phìn được tạo bởi các dãy núi đá vôi bị phong hóa, nên trên bề mặt hầu như không có lớp phủ thực vật. Phủ khắp bề mặt sườn núi là hàng triệu tảng đá màu xám đủ kích thước, hình thù. Trên đường Hạnh Phúc, đoạn trước khi lên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngọn núi dạng tháp, mũi nhọn hình kim Pải Lủng mà giới chuyên môn gọi là tượng đài địa chất. Tiếp tục hành trình, trên bề mặt khá bằng phẳng của cao nguyên Làng Đán (xã Quyết Tiến, Quản Bạ), nổi lên sừng sững một cụm 7 cột đá vôi với thế đứng kỳ lạ, bắt mắt. Khu vực Ngam La - Lũng Hồ - Du Già, ruộng bậc thang và núi đá đan xen đẹp như tranh vẽ. Càng tiến sâu vào Công viên địa chất toàn cầu, rừng đá càng đậm đặc, nhất là gần Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già. Đặc biệt hơn, có hẳn một hoang mạc đá tại xã Pải Lủng với một màu xám xịt ngút tầm mắt, từ Mèo Vạc về Yên Minh theo hướng Lũng Phìn sẽ thấy hoang mạc đá kỳ vĩ này. Trên dải đất hình chữ S, chẳng có nơi nào đá xám muôn hình vạn vẻ như thế...