Lãi cao nhờ nuôi cá VietGAP

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thay đổi phương thức sản xuất và ứng dụng các thiết bị máy móc thông minh vào nuôi trồng thủy sản đã giúp anh Lê Văn Lâm, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.

 Anh Lê Văn Lâm đang vận hành hệ thống máy cho cá ăn.
Đến thăm trang trại thủy sản của anh Lê Văn Lâm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô và cách vận hành khá hiện đại của một mô hình nuôi cá thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích 11 mẫu được anh Lâm thiết kế làm 3 ao nuôi cá và 3 mẫu trồng cỏ. Trên ao nuôi có lắp đặt hệ thống sục khí, máy quạt nước và máy cho cá ăn.
Theo chia sẻ của anh Lâm, gia đình bắt đầu nuôi thủy sản từ năm 2016, đến năm 2018 thì triển khai mô hình VietGAP. Sau 2 năm nuôi cá theo quy trình VietGAP, anh Lâm nhận thấy có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống. Bởi có thể theo dõi, quản lý được suốt quy trình nuôi, giảm thiểu rủi ro, dịch bệnh. Ngoài ra, có thể cải thiện được ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, sản phẩm làm ra có chất lượng thơm ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Anh có nhật ký ghi chép đầy đủ quá trình nuôi cá từ vào giống đến chăm sóc, thu hoạch. Ao nuôi được xử lý bằng các loại men vi sinh và bổ sung các loại vitamin, tỏi để tăng sức đề kháng cho cá. Việc cho ăn đầy đủ và sử dụng hệ thống tạo oxy giúp cá trong ao khỏe mạnh, tốc độ lớn nhanh, ít bệnh hơn. “Cùng một diện tích ao nuôi 2 mẫu, trước đây tôi chỉ thu được 4 – 5 tấn cá/năm nhưng nuôi theo phương thức mới đã nâng năng suất lên 17 – 18 tấn/năm” – anh Lâm so sánh.
Ngoài ra, anh Lâm còn sử dụng máy cho cá ăn tự động để giảm thiểu sức lao động trong quá trình chăm sóc. Chính vì vậy, mặc dù với khối lượng công việc tương đối lớn của trang trại nhưng gia đình anh không cần thuê lao động. Thêm vào đó, hệ thống máy cho cá ăn còn giúp chia nhỏ bữa ăn trong ngày, giúp tỷ lệ cám phân bổ đều hơn, giảm hao hụt và kiểm soát được lượng thức ăn. Nhờ chăn nuôi theo hướng VietGAP và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, hiện nay trung bình mỗi năm gia đình anh Lâm xuất ra thị trường 80 – 85 tấn cá, trừ chi phí, thu về khoảng 800 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Lãng Đặng Đức Mạnh đánh giá: Mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Lâm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống. Đây là mô hình rất phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội. Do đó, mô hình này rất cần nhân rộng ra địa bàn TP nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp người nông dân làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần