Lái dòng vốn FDI vào giai đoạn mới

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phù hợp với bối cảnh mới và khắc phục các hạn chế, Bộ KH&ĐT đang xây dựng Dự thảo Chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn 2018 – 2022 với sự hỗ trợ của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB).

Dự thảo được kỳ vọng sẽ chấm dứt những tồn tại sau 30 năm thu hút FDI, lái dòng vốn FDI bước vào một giai đoạn mới, trong đó chất lượng dòng vốn được chú trọng. 
Chấm dứt ưu đãi

Dự thảo đưa ra, cải thiện hành lang chính sách, giúp thu hút và giữ chân đầu tư giá trị cao. Cụ thể, thay đổi tư duy cạnh tranh bằng chi phí thấp, có khuôn khổ ưu đãi đa sắc thái hơn, bao gồm cơ chế ưu đãi dựa trên hiệu quả để đạt được mục tiêu FDI thế hệ mới. Trong ngắn hạn, ưu tiên các ngành có cơ hội hẹp để cạnh tranh như sản xuất thiết bị gốc và cung cấp thiết bị vận tải và ô tô; công nghệ môi trường (thiết bị bảo tồn nước, mặt trời, gió…). Trong trung hạn, ưu tiên các ngành đi đôi với mở cửa và phát triển kỹ năng bao gồm sản xuất chế tạo (dược phẩm và thiết bị y tế); dịch vụ (dịch vụ giáo dục và y tế, tài chính, công nghệ tài chính, công nghệ thông tin, dịch vụ trí thức…).

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Hoya Glass Disk Vietnam, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI (VAFIE), Việt Nam đang có nhiều cơ hội không chỉ là thúc đẩy đầu tư, mà còn là thương mại song phương. Thị trường Việt Nam không bị bó hẹp mà mở rộng hơn. Thay vì thu hút dựa vào ưu đãi và lao động giá rẻ, Việt Nam cần thu hút FDI dựa trên nền tảng về kỹ năng lao động, công nghệ và chuỗi sản xuất. Thay vì thu hút bằng mọi giá, các địa phương cần tập trung thu hút có chọn lọc vào những dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có sức lan tỏa đến nền kinh tế trong nước.

TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch (VAFIE) bổ sung, chiến lược FDI cần đặt ra vấn đề thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ Mỹ và EU vì đầu tư vào Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các nước châu Á. Ngoài ra cần có biện pháp thu hút tư nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực BOT. “Hiện nay, không có một dự án FDI nào vào BOT trong lĩnh vực giao thông vận tải, đây đều là lĩnh vực đang rất cần cả vốn và công nghệ"- TS Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị.

Cải thiện để đón vốn đầu tư mới

Theo nhận xét của WB, với thực trạng phát triển của nền kinh tế hiện nay, thu hút FDI thế hệ mới vẫn cần có bước chuyển dần chứ không thể lập tức nhảy vọt. Ông Wim Douw - Cố vấn cao cấp chính sách đầu tư của WB phân tích, Việt Nam có dân số lớn và trẻ, chưa tới 20% lực lượng lao động hiện nay có tay nghề chuyên môn. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất – lắp ráp sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp (như may mặc hoặc điện tử tiêu dùng) sẽ tiếp tục là nguồn tạo việc làm trên quy mô lớn và có thể đóng vai trò bước đệm dẫn tới các hoạt động có giá trị gia tăng cao.

Không chuyển giao công nghệ chưa hẳn là lỗi của DN FDI, mà do DN trong nước không thể tiếp nhận công nghệ. Cùng với đề xuất về các ngành ưu tiên tập trung thu hút FDI, bản dự thảo cũng khuyến nghị các nhóm chính sách để thực hiện chiến lược. Đó là cần có một “thể chế thế hệ mới” tăng cường hiệu quả, cần cải thiện hành lang chính sách, khẩn trương trong việc xây dựng một bản quy hoạch tổng thể về hạ tầng, nguồn nhân lực và tích cực thúc đẩy các DN đi đầu trong khu vực tư nhân tham gia vào hệ thống đào tạo nghề ở Việt Nam đối với các kỹ năng như IT, kỹ thuật, quản lý…

Ngoài ra, các chuyên gia của WB cũng khuyến nghị, muốn thu hút đầu tư có chọn lọc, có thể Việt Nam phải chấp nhận sự đánh đổi trong ngắn hạn, giữa việc thu hút được nhiều hay không nhiều vốn FDI. Sẽ có một số nhà đầu tư nước ngoài ở những ngành sử dụng công nghệ thấp, thâm dụng lao động, đòi hỏi cơ sở hạ tầng lớn, tiêu tốn nhiều năng lượng chuyển dịch đầu tư hơn so với Việt Nam như Campuchia, Myanmar… Điều này còn ảnh hưởng đến tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đến tăng trưởng, đến giải quyết việc làm… nhưng phải chấp nhận.

Dù môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam đang được cải thiện dần, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính tinh gọn hơn, cởi mở hơn, nhưng tôi thấy có một số DN lớn vẫn còn e ngại về sự ổn định của các chính sách ban hành ở Việt Nam còn nhiều rủi ro... 

Ông Yasuzumi Hirotaka

Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại (JETRO)