Lại sốt xình xịch chuyện "học bạ siêu nhân" vào trường chuyên

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các diễn đàn lại ồn ào chuyện các phụ huynh lo lắng con mình không có được "học bạ siêu nhân" với toàn điểm 10 để đủ điều kiện được thi vào trường chuyên.

5 năm liên tục có 2 điểm 9: "Mất lượt"
Câu chuyện “học bạ siêu nhân” từng gây choáng váng hồi giữa năm 2019 khi Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam tuyển sinh lớp 6. Khi ấy, dư luận không khỏi bàn tán xôn xao về những điểm 10 tuyệt đối suốt 5 năm học của các thí sinh dự tuyển. Điều đáng nói, đây là nội dung được cụ thể hoá trong hướng dẫn công tác tuyển sinh.
Đầu năm nay, tại nhiều diễn đàn, các bậc phụ huynh một lần nữa lại dấy lên những luồng thông tin trái chiều xung quanh câu chuyện điểm số. Cụ thể, tại một diễn đàn về giáo dục có hơn 65.000 thành viên, một phụ huynh vừa đăng đàn thắc mắc về điểm số học bạ tại trường Amsterdam, lập tức là hàng trăm phản hồi liên quan. Theo đó, một phụ huynh nêu tình huống: “Năm nay, mẹ cháu rất muốn cho con trai thử sức thi vào lớp 6 Trường Amsterdam, nhưng đến thời điểm hiện tại con đã bị 2 điểm 9, mà điều kiện thi vào chỉ có 1 điểm 9 từ lớp 1 đến lớp 5. Mẹ cháu cảm thấy tiếc cho con nên viết lên đây muốn hỏi mọi người...”. Khi những dòng này vừa được đăng tải, ngay sau đó, nhiều bậc phụ huynh, hay chính các giáo viên đã chia sẻ, đưa ra những bình với đủ cả khen, chê, góp ý. 

Có ý kiến cho rằng, nếu quá quan tâm đến học bạ, đến điểm số, các bậc phụ huynh nên “chỉn chu” ngay từ giây phút đầu tiên, để từ đó các con sẽ có một học bạ trong mơ, hay một học bạ dành cho các “siêu nhân”. Thậm chí, còn có ý kiến có phần chế giễu: “Đáng nhẽ mẹ phải chạy điểm ngay khi biết con bị điểm 9 chứ?”. Ngay sau đó, lập tức một phản hồi từ một phụ huynh khác khuyên răn: “Có một cách là con bạn đang phát triển một cách tự nhiên và tự lập, hãy để con như thế, bạn đừng làm gì cả”.
 Theo Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, phụ huynh nên hiểu con hơn là cố gắng đưa con vào các trường danh tiếng. Ảnh: Bảo Trọng
Sau khi đọc cả trăm ý kiến trái chiều, một phụ huynh tỏ vẻ bức xúc, cho rằng: “Vào nhóm mới thấy lắm bố mẹ gây áp lực cho con cái quá. Bằng mọi cách nhồi nhét con vào trường chuyên, lớp chọn mà không cần biết con có hợp không. Vùi đầu vào học đánh mất tuổi thơ con, ra trường đời thành công không phải ở điểm số. Học hành giỏi giang nhưng vụng về, vô cảm, giao tiếp kém, chập chạp với thời cuộc thì cũng đâu hạnh phúc. Các mẹ bớt áp đặt gây áp lực cho con thì cả gia đình bớt căng thẳng”.
Năng lực của con đến đâu, dùng đến đó
Sáng 16/1, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Xuân Thành – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho hay, quy định của Bộ GD&ĐT, quá trình tuyển sinh có 3 hình thức: Xét tuyển, thi tuyển và kết hợp cả 2 (xét tuyển và thi). Đối với các trường THCS sẽ áp dụng hình thức xét tuyển. Tuy nhiên, vướng ở chỗ, có một số trường tên tuổi thường sẽ có số lượng đăng ký vượt nhiều so với chỉ tiêu, việc xét tuyển sẽ gặp khó khăn. Trong tình huống này, các nhà trường có thể sẽ áp dụng phương án xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực (không phải bài thi). Bài kiểm tra bổ trợ này có thể là các cuộc phỏng vấn, hay giao học sinh quá trình trải nghiệm, hoặc cũng có thể kiểm tra trên giấy.

Chia sẻ về những lời khuyên đối với các bậc phụ huynh khi chọn trường cho con, ông Thành nói tiếp: “Phụ huynh nên nắm bắt được năng lực, sở thích của con cái, từ đó sẽ có những điều chỉnh hợp lý trong quá trình học tập. Điều quan trọng nhất của các con khi vào học là phát triển được phẩm chất, năng lực và vận dụng được trong cuộc sống. Do vậy, khi quyết định chọn trường cho con, phụ huynh cần đánh giá đúng mục tiêu, năng lực của con cái mình. Không nhất thiết cứ phải đua đến các trường có tiếng, để rồi có thể phản tác dụng khi năng lực của con không được phát huy”.

Ông Thành ví von: “Chọn môi trường đào tạo cho con nó như bữa ăn vậy. Khi ăn uống vừa phải, ngon miệng, sẽ góp phần tiêu hoá tốt, sức khoẻ sẽ tốt”.