Lãi suất huy động giảm: Doanh nghiệp ngóng vốn rẻ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng còn 4,25%/năm, ngay lập tức các ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất huy động kỳ hạn ngắn.

 Khách hàng giao dịch tại VPBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, không nên lo ngại về lãi suất tiết kiệm giảm, người dân sẽ chuyển vốn qua USD hay vàng. Bởi cả hai kênh USD và vàng, các ngân hàng không còn được phép huy động và cho vay. Trong khi đó, thị trường vàng từ sau khi Nghị định 24/NĐ-CP có hiệu lực đã kém sôi động, nên việc rót vốn vào vàng lúc này khá mạo hiểm. Với chứng khoán, trong bối cảnh mọi dự đoán về sự phục hồi đều chưa rõ ràng, vì vậy giữ tiền vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu của nhiều người. Vẫn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chúng ta cũng không lo lãi suất giảm ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng vì song song với giảm lãi suất, NHNN đã sử dụng nhiều công cụ điều hành khác để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng. Một loạt lãi suất tiền gửi, nghiệp vụ thị trường mở (OMO), lãi suất cho vay, lãi suất tái chiết khấu... được nhà điều hành điều chỉnh giảm tới 0,5 điểm % so với trước đó. Ngoài ra, trong cân đối vĩ mô, 3 - 4 năm qua, lạm phát của Việt Nam tương đối ổn định, dao động xung quanh mức 4%. Với mức lạm phát này, lãi suất bình quân rơi vào khoảng 4% - 5%/năm vẫn bảo đảm nguyên tắc lãi suất thực dương.
Từ nay đến cuối năm nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài đang hỗ trợ Việt Nam duy trì lạm phát ở mức thấp, dự báo khó vượt qua mức 2,8%. Đây chính là nhân tố giúp lãi suất huy động có thể thấp xuống. 
Giám đốc khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam Ngô Đăng Khoa
Những ngày qua, tại nhiều ngân hàng, lãi suất 4,25%/năm được áp dụng từ kỳ hạn 1 tháng nếu gửi số tiền lớn. Tuy nhiên, đó chỉ là tiền gửi ngắn hạn, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải bảo đảm hạ lãi suất theo yêu cầu của NHNN. Còn với kỳ hạn dài 6 tháng trở lên, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng vẫn ở mức trên 6,5%/năm, thậm chí 7%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Thực tế, để giữ khách hàng nhiều ngân hàng đã tính toán đưa ra phương án cạnh tranh lãi suất qua hình thức tiền gửi online. Hiện tại, một số ngân hàng hiện áp dụng lãi suất huy động tiết kiệm online cao hơn so với tại quầy từ 0,1 - 1,25% tùy từng kỳ hạn. Vì vậy, thông qua việc chuyển đổi hình thức tiết kiệm có thể giúp người gửi tiền tăng tỷ suất lợi nhuận hơn là rút tiền chuyển sang kênh đầu tư khác.
Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB Nguyễn Đình Tùng nhận định, dòng tiền tiết kiệm sẽ có chuyển động nhưng sẽ là dịch chuyển từ tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn qua kỳ hạn dài hơn hoặc điều chỉnh từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Bởi các ngân hàng đang cạnh tranh huy động rất gay gắt, ít có khả năng rút tiền ra khỏi hệ thống.
Vốn giá rẻ sẽ chảy vào nền kinh tế?
Với lãi suất huy động kỳ hạn dài như trên, các ngân hàng đang cho vay trung và dài hạn từ 8,5%/năm trở lên. Tuy nhiên, chỉ những NHTM có vốn Nhà nước mới có lãi suất cho vay thấp. Để vay được vốn từ các NHTM cũng không hề dễ dàng, phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn như có lịch sử tín dụng tốt, là khách hàng thân thiết, kinh doanh có lãi, dự án có hiệu quả, có tài sản bảo đảm... Một số DN cho biết, dù đã được các ngân hàng giảm lãi suất từ 0,5 - 2 điểm phần trăm thì vay các kỳ hạn dài vẫn chịu lãi suất 10%/năm. Tuy nhiên, lãi suất này cũng chỉ tính cho kỳ đầu tiên trong khoảng 3 - 6 tháng, sau đó lại thả nổi. Theo tính toán của DN, với chi phí vốn vay 9 - 10%/năm, DN trong nước rất khó cạnh tranh đối thủ, đồng thời mong muốn lãi suất cho vay duy trì ổn định ở mức 6 - 6,5%/năm.
Các chuyên gia cho rằng, sau động thái giảm lãi suất của NHNN, hệ thống tín dụng sẽ được cải thiện. Ngoài ra, NHNN còn thông báo sẽ nới thêm “room” tăng trưởng tín dụng để các NHTM linh hoạt hơn trong lựa chọn các phân khúc thị trường có khả năng hấp thụ được vốn.
Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa, hiện dư nợ tín dụng rất thấp do các DN không hấp thụ được vốn, lãi suất vẫn cao. Ngoài ra, khó để tín dụng tăng mạnh trở lại khi thị trường xuất, nhập khẩu vẫn bị đóng băng, chuỗi cung ứng bị cắt đứt. Vì vậy, để “kích” tín dụng, ngân hàng phải hướng mạnh vào các DN phục vụ thị trường nội địa, đặc biệt các lĩnh vực như: Du lịch, thương mại, dịch vụ, DN sản xuất hàng thiết yếu… Sau đó, tùy mức độ mở cửa thị trường đến đâu mà mở rộng phân khúc khách hàng đến đó.